Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 09:59
Tin nóng:
Thị trường cà phê toàn cầu đang chứng kiến một xu hướng mới đầy tiềm năng, đó sự lên ngôi của cà phê decaf. Với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các sản phẩm không chứa caffeine, cà phê decaf đang trở thành một lựa chọn phổ biến. Việt Nam, một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Trong niên vụ vừa qua, xuất khẩu cà phê decaf của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của ngành cà phê nội địa.
Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất, cà phê decaf đang trở thành một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp đồ uống.
Cà phê decaf là cà phê từ hạt cà phê đã loại bỏ ít nhất 97% lượng caffeine trước khi thực hiện các khâu chế biến rang và nghiền. Ảnh: Long Châu |
Theo tạp chí Market Research Future, quy mô thị trường cà phê decaf toàn cầu đã đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến từ 4% đến 4,5%, thị trường này có thể đạt quy mô hơn 26 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo một báo cáo khác từ tạp chí Maximize Market Research, quy mô thị trường cà phê decaf toàn cầu vào năm 2022 được ước tính là 15,3 tỷ USD. Dự báo trong giai đoạn 2023-2030, thị trường này sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,7%, đạt 22,58 tỷ USD vào năm 2029.
Những con số ước tính và dự báo tuy có khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là quy mô thị trường cà phê decaf toàn cầu hiện không nhỏ và đang có xu hướng tăng trưởng.
Nắm bắt nhu cầu và tiềm năng thị trường của cà phê decaf, nhiều nhà máy chế biến cà phê tại Việt Nam đã đầu tư mạnh vào máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất cà phê decaf chất lượng cao. Nhờ đó, cà phê decaf Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An, chia sẻ: “Ngoài tiêu thụ ở Việt Nam, các sản phẩm cà phê của nhà máy đang được xuất khẩu tới 29 thị trường tại tất cả các châu lục có người sinh sống, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Đặc biệt, khi sản xuất cà phê decaf, nhà máy Nestlé Trị An còn thu được bột cafein nguyên chất. Loại bột này được ví như vàng vì có giá rất cao, từ 30 - 40 USD/kg. Sở dĩ bột cafein có giá cao như vậy vì được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, nước tăng lực, thực phẩm chức năng …”
Bên cạnh đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, cà phê decaf Việt Nam đảm bảo chất lượng cao, hương vị thơm ngon, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cà phê decaf đa dạng về chủng loại, bao bì, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung xây dựng thương hiệu cà phê decaf Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo dựng uy tín và lòng tin cho người tiêu dùng. Chú trọng mở rộng diện tích trồng cà phê, liên kết với nông dân để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu chất lượng, ổn định.
Thành công của cà phê decaf Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp và người nông dân mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cà phê decaf hiện đã nằm trong nhóm 3 loại cà phê nhân xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong niên vụ 2023 - 2024, xuất khẩu cà phê decaf đạt 37 nghìn tấn, trị giá 172 triệu USD. Với kim ngạch xuất khẩu này, cà phê decaf đứng thứ 3 trong nhóm cà phê nhân sau cà phê nhân Robusta (1,2 triệu tấn, trị giá 4 tỷ USD) và cà phê nhân Arabica (53 nghìn tấn, trị giá 212 triệu USD). Trong nhóm cà phê nhân xuất khẩu niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu cà phê decaf là cao nhất với mức bình quân 4.695 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với cà phê nhân Arabica (bình quân 4.004 USD/tấn) và cà phê nhân Robusta (3.298 USD/tấn). Còn tính chung tất cả các loại cà phê xuất khẩu, giá cà phê decaf đứng thứ 2 sau cà phê chế biến (7.616 USD/tấn). |