Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 21:25
Tin nóng:
Vượt xa “vua cà phê” Trung Nguyên
Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex (Tập đoàn Intimex) là một minh chứng điển hình cho sự thành công của việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
Năm 2006 trong khi cổ phần hóa vẫn là điều gì đó mới mẻ, ông Đỗ Hà Nam lúc này đang làm lãnh đạo tại Intimex đã xung phong cho doanh nghiệp được thí điểm cổ phần hóa. Ngày 1/7/2006, doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Sau khi cổ phần hóa, mức vốn ban đầu của Intimex chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng. Nhờ sự lãnh đạo của ông Đỗ Hà Nam, tới ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu công ty đã lên tới 683 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 5.494 tỷ đồng.
Khởi đầu với cà phê nhưng Tập đoàn Intimex sau đó đã mở rộng danh mục sản phẩm với nhiều nông sản khác như hồ tiêu, hạt điều, gạo.
Với ngành cà phê, năm 2023, dù các mặt nông sản khác đều gặp khó trong tăng trưởng, cà phê vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu và chiếm nắm giữ 21,4% thị phần.
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), Intimex là doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống tại Việt Nam với sản lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, giá trị hơn 318 triệu USD.
Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy Cà phê Sài Gòn xếp vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan với sản lượng xuất khẩu hơn 14.700 tấn, giá trị thu về gần 74,6 triệu USD. Đáng chú ý, Trung Nguyên thường được tôn vinh là “vua cà phê”.
Tập đoàn Intimex là một trong những ví dụ điển hình doanh nghiệp Nhà nước tiên phong cổ phần và thành công. Ảnh chụp màn hình. |
Chật vật thoát lỗ
Vượt xa “vua cà phê” về xuất khẩu cà phê nhưng Tập đoàn Intimex lại đang trong quá trình nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” nhằm… thoát lỗ dù doanh thu trưởng đều đặn.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2023 của Tập đoàn Intimex đạt 26.556 tỷ đồng, tăng 3.106 tỷ đồng, tương đương 13,2% so với năm 2022. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn, tăng 3.573 tỷ đồng, tương đương 16,2%. Chính vì vậy, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn 870 tỷ đồng, giảm 408 tỷ đồng, tương đương 31,9%.
Lãi gộp giảm quá mạnh nên để tránh cho một năm thua lỗ, Tập đoàn Intimex đã thực hiện chính sách tiết kiệm khi cắt giảm sâu rất nhiều chi phí.
Trong năm 2023, chi phí bán hàng chỉ còn 794 tỷ đồng, giảm 381 tỷ đồng, tương đương 32,4%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 73 tỷ đồng, tương đương 53,7% xuống 63 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ từ 169 tỷ đồng xuống 157 tỷ đồng.
Có thể thấy, tổng chi phí đã giảm 466 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Tập đoàn đạt 64 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng, tương đương 23,1% so với năm 2022. Nếu các chi phí không cắt giảm, Intimex có nguy cơ thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Lãnh đạo Intimex đánh giá, dù cả doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đều tăng trưởng so với năm 2023 nhưng so với kế hoạch thì lại chưa đạt kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân của việc chưa hoàn thành kế hoạch là là do diễn biến thị trường nông sản quý 2 khó lường, kinh doanh khó khăn khiến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm, lợi nhuận không đạt kỳ vọng đề ra.
Hiệu quả sử dụng vốn bằng nửa non Vinacafé Biên Hòa
Phải cắt giảm chi tiêu để thoát lỗ nên hiệu quả sử dụng vốn tại Tập đoàn Intimex không cao. Đồng thời với đó, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu càng “đuối” hơn Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Vinacafé Biên Hòa).
Cụ thể, trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Intimex đạt 9,4%, thấp hơn nhiều so với 22% của Vinacafé Biên Hòa. Trước đó, chỉ tiêu này tại Intimex cũng khá thấp khi chỉ là 8,4% (năm 2022), 9,8% (năm 2021) và 8% (năm 2020).
Như vậy, trong nhiều năm liền, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu Intimex thường xuyên dưới 10%.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu cũng khiêm tốn. Năm 2023, chỉ tiêu này đạt 0,24%, thấp hơn rất nhiều so với 19% của Vinacafé Biên Hòa.
Lương lãnh đạo cấp cao ngang… lương công nhân Là tập đoàn lớn, doanh thu tỷ đô nhưng chế độ lương cho dàn lãnh đạo cấp cao tại Intimex lại ngang… công nhân. Trong năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Hà Nam nhận thù lao 10 triệu đồng/tháng (tương đương 120 triệu đồng/năm). Hai thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị nhận 6 triệu đồng/người/tháng (tương đương 72 triệu đồng/người/năm). Trong khi đó, Trưởng Ban Kiểm soát được trả 5 triệu đồng/tháng (tương đương 60 triệu đồng/năm). Hai thành viên còn lại nhận 4 triệu đồng/người/tháng (tương đương 48 triệu đồng/người/năm). Tổng thù lao dành cho Hội đồng quản trị là 286 triệu đồng, dành cho Ban Kiểm soát là 169 triệu đồng. Theo kế hoạch, chế độ thù lao này được duy trì trong năm 2024. |