Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 21:53
Tin nóng:
Biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn: Giao thương mạnh, kinh tế vững Thanh Hóa: Hàng Việt ‘lên ngôi’ tại các siêu thị ngày Tết Sầm Sơn đến Pù Luông: Hành trình khám phá xứ Thanh |
Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, từ lâu đã là một vùng đất nghèo khó, xa xôi và tồn tại nhiều tệ nạn nhất của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hoá). Cách đây không lâu, nơi đây còn là điểm nóng về ma tuý, hầu như gia đình nào cũng bị ảnh hướng. Dù “cơn bão” đã qua, nhưng đói nghèo và lạc hậu vẫn đeo bám bản làng.
Trong bối cảnh đó, Sùng A Pó – chàng trai người Mông sinh năm 1992 đã vượt khó, trở thành người đầu tiên của bản đặt chân đến giảng đường đại học. Hiện nay, anh đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý, dẫn dắt bà con thoát khỏi đói nghèo.
![]() |
Sùng A Pó (áo trắng) cùng cán bộ vận động thanh niên ở Tà Cóm tham gia nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Quốc Huy |
Năm 1994, gia đình Pó di cư từ Phù Yên, Sơn La sang Thanh Hóa, khi đó Pó mới 2 tuổi. Hành trình đầy gian nan khi cả nhà Pó phải đi thuyền dọc sông Mã, băng rừng suốt mười ngày trời mới tới được vùng lõi Khu bảo tồn Pù Hu. Năm 1998, họ được chính quyền hỗ trợ chuyển về Tà Cóm sinh sống ổn định.
Tại đây, trường mầm non và tiểu học chỉ được lập tạm bằng tre nứa nhưng đã tạo điều kiện cho Pó và các bạn tìm đến con chữ. Tuy nhiên, lên cấp 2, họ buộc phải băng rừng, lặn lội 50km để ra trường xã Trung Lý. Hành trang mang theo chỉ là vở, gạo, muối và vài trái ớt giã.
Mặc dù cuộc sống vô cùng gian nan, vất vả nhưng không làm nhụt chí Pó. Anh nhớ mãi ký ức đối mặt với hổ đực giữa rừng, khi đó con hổ đang ăn thịt một con trâu. Pó và nhóm bạn đã nín thở nấp sau cây đợi con hổ đi khuất rồi mới dám tiếp tục hành trình.
![]() |
Tuổi thơ gắn liền với vùng đất nghèo khó nên Pó đã trở nên bản lĩnh, quyết tâm. Ảnh: Quốc Huy |
Vì nghèo đói, nhiều bạn học của Pó bỏ dở, quay về làm rẫy, lập gia đình. Gia đình Pó có tận 9 anh chị em, cuộc sống bấp bênh nhưng cha mẹ quyết không để các con bỏ học. Nhờ đó, Pó tốt nghiệp phổ thông và đậu đại học ngành Quản lý xã hội tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội (2015 - 2019). Pó cũng là người đầu tiên ở Tà Cóm đậu đại học.
Các em anh của Pó cũng thành công khi người thi đậu Đại học Y Thái Nguyên, người học Trung cấp Y Thanh Hóa, còn hai em khác đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Sau khi tốt nghiệp, Pó trở về làm Bí thư bản Khằm, sau đó giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Năm 2023, anh trở thành Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý, anh đã dùng chính tiếng Mông để truyền đạt chính sách và kêu gọi, hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo.
![]() |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý Sùng A Pó (ngoài cùng bên phải) truyền đạt chính sách, hỗ trợ bà con ở Tà Cóm thoát nghèo. Ảnh: Quốc Huy |
Ở địa phương, Sùng A Pó đã trở thành cánh tay nối dài của Đảng, thắp sáng niềm tin về Đảng cho bà con dân tộc miền núi xa xôi, hẻo lánh. Với những xã biên giới vùng cao như Trung Lý thì công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật, thay đổi nhận thức, tư tưởng đến với người dân là vô cùng quan trọng.
Là người con của bản làng, được học hành bài bản, lại có uy tín, việc giao tiếp của Pó với bà con bằng tiếng Mông trong tuyên truyền, vận động càng trở nên thuận lợi, người dân đã làm theo Pó, thoát nghèo ở chính Tà Cóm.
Hành trình của Sùng A Pó là minh chứng cho ý chí vươn lên của người Mông ở vùng cao. Từ một bản làng nghèo khó, anh đã nỗ lực học tập, sau đó trở về cống hiến, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống của bà con. Với sự tận tâm và uy tín, Pó không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ nơi vùng biên giới Mường Lát. |