Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 00:24
Tin nóng:
Dấu mốc mới trong phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào Bình Thuận: Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương |
Xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại
Thời gian qua, công tác phát triển thương mại hiện đại đã được tỉnh Sơn La quan tâm, chú trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế. Cùng với đó thương mại điện tử được triển khai với nhiều giải pháp góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; Sở Công Thương đã triển khai xây dựng các công cụ, tài liệu truyền thông về sản phẩm của tỉnh phục vụ công tác xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Đánh giá về sự phát triển của hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Sơn La cho biết, những năm gần đây, hạ tầng thương mại của Sơn La đã có bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy hệ thống bán lẻ, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân.
![]() |
Khách mua hàng tại hệ thống VinMart+ trên địa bàn TP. Sơn La |
Hiện nay, toàn tỉnh có 91 chợ truyền thống đang hoạt động; trong đó, nhiều chợ trung tâm trên địa bàn thành phố đã triển khai áp dụng mô hình chợ 4.0 - hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến, không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, hạ tầng thương mại điện tử đang từng bước phát triển, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, mức sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 4 siêu thị tổng hợp, cùng các chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên doanh, như: 28 chuỗi cửa hàng thế giới di động, điện máy xanh; 5 cửa hàng FPT shop; 6 cửa hàng Mediamart; 16 hệ thống các chuỗi cửa hàng tiện lợi thương hiệu Winmart cùng hàng nghìn đại lý, cơ sở nhượng quyền thương mại, cửa hàng, bán buôn, bán lẻ tại 12 huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tại thành phố Sơn La, những năm gần đây, nhiều dự án quy hoạch các khu đô thị mới, chợ và trung tâm thương mại được hình thành.
Ngoài hệ thống các chợ truyền thống, thành phố hiện có 1 trung tâm thương mại hạng III, 1 siêu thị tổng hợp, cùng chuỗi siêu thị điện máy, điện thoại và siêu thị mini, với đầy đủ các mặt hàng đa dạng, phong phú, chất lượng kinh doanh dịch vụ đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.
Với những ưu thế nổi bật về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, mini mart, đang trở thành điểm lựa chọn của số đông người dân.
"Hạ tầng thương mại phát triển đã và đang góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với nhiều loại hàng hóa đa dạng, bảo đảm chất lượng và phương thức phục vụ hiện đại, văn minh, giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước" - đại diện Sở Công Thương Sơn La cho biết.
Thực tế cho thấy, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố và thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.
Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh thu hút đầu tư, củng cố hạ tầng thương mại.
Thúc đẩy xúc tiến thương mại qua môi trường số
Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương Sơn La, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã từng bước hình thành hạ tầng thương mại điện tử hiện đại. Tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng thí điểm, tổ chức Khai trương và tập huấn sử dụng Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản của tỉnh Sơn La (http://sannongsansonla.vn).
![]() |
Tỉnh Sơn La xây dựng Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản của tỉnh Sơn La (http://sannongsansonla.vn). |
Xây dựng trang Thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La (http://agritradepage.vn); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên 3 sàn thương mại điện tử quốc tế (Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản xuất sản phẩm cà phê để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác tại thị trường Anh, Đức, Úc và Trung Quốc; xây dựng các video, hình ảnh, bài viết giới thiệu các sản phẩm của tỉnh Sơn La để quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số (thiết lập kênh YouTube nông sản Sơn La với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Đức); tiếp tục việc hỗ trợ vận hành đối với 10 website thương mại điện tử và 3 phần mềm quản lý khách hàng đã xây dựng trong năm 2021.
Hiện nay cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, quá trình đô thị hóa, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dần tự việc mua sắm tại các chợ truyền thống sang các loại hình hạ tầng thương mại khác như: Cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị, mini, thương mại điện tử.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, chuyển đổi sang các loại hình hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại, tiện ích. Đồng thời, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động; khuyến khích mở rộng mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng xăng dầu, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt 33.800 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2023.
Tỉnh Sơn La phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) của tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân từ 9,5 - 10,5%/năm. Doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 5-7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; 20-25% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh, với chức năng là cơ quan đầu mối Sở sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình; rà soát, đề xuất các nội dung về phát triển thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, đảm bảo tính thống nhất; xây dựng và triển khai các chính sách về phát triển thương mại, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh, liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, đưa các sản phẩm của tỉnh lên các nền tảng giao dịch trực tuyến lớn trong nước...
Với giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể sẽ tạo động lực cho hạ tầng thương mại của tỉnh tiếp tục phát triển cả về quy mô, loại hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.