Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 12:34
Tin nóng:
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, phản ánh những lo ngại sâu sắc về nguồn cung trong tương lai. Cụ thể, giá cà phê Arabica đã tăng 1,33% lên mức cao nhất trong 27 năm qua, trong khi giá Robusta cũng tăng 1,27%, tiệm cận ngưỡng 5.200 USD/tấn.
Lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê lớn nhất Brazil lại ghi nhận lượng mưa dưới mức trung bình lịch sử trong tuần trước, khiến lo ngại về nguồn cung tại Brazil trở nên mạnh mẽ hơn. Somar Meteorologia, báo cáo lượng mưa trong tuần trước tại Minas Gerais chỉ ở mức 6 mm, tương đương 10% mức trung bình lịch sử. Lượng mưa quá thấp, khiến thị trường lo ngại về việc cây cà phê không thể phục hồi và phát triển toàn diện, kéo theo sản lượng giảm mạnh so với vụ hiện tại. Trước đó vùng trồng cà phê chính của Brazil đã trải quan giai đoạn khô hạn lịch sử kéo dài, khiến giới phân tích đồng loạt giảm dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 cũng như vụ 2024 - 2025.
Giá cà phê xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong 27 năm qua do lo ngại nguồn cung từ Brazil |
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của nước này ở mức 66,4 triệu bao loại 60kg, giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán của USDA trước đó. Tổng sản lượng giảm chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica khi vùng sản xuất cây trồng này phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt.
Không những vậy, xuất khẩu trong vụ 2024 - 2025 ước giảm 5% so với dự đoán trước và thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước, về còn 44,25 triệu bao. Đồng thời, tồn kho cuối vụ 2024 - 2025 giảm 65% so với dự báo của USDA trụ sở, xuống còn 1,24 triệu bao và tồn kho cuối niên vụ 2023 - 2024 cũng bị cắt từ 2,88 triệu bao xuống còn 1,68 triệu bao.
Tại Việt Nam - nhà sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, hoạt động thu hoạch đang diễn ra sôi động với thời tiết thuận lợi ở khu vực Tây Nguyên, nhưng sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với năm ngoái.
Về triển vọng sản xuất của các nhà cung cấp khác, USDA đã điều chỉnh tăng hơn nửa triệu bao ước tính sản lượng của Colombia trong niên vụ 2023-2024 lên 12,76 triệu bao. Đồng thời tỏ ra lạc quan về niên vụ hiện tại, với dự kiến sản lượng sẽ đạt gần 13 triệu bao.
Tại Ấn Độ, sản lượng được dự báo ổn định, với ước tính vụ 2023-2024 đạt hơn 6 triệu bao và tăng nhẹ lên 6,2 triệu bao trong năm nay.
Còn tại Indonesia, USDA hạ ước tính sản lượng niên vụ 2023-2024 xuống còn 7,65 triệu bao, nhưng dự kiến sẽ phục hồi và tăng lên mức 10 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.
Về triển vọng dài hạn, hãng tư vấn Hedgepoint trong báo cáo thị trường toàn cầu mới nhất dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil sẽ chỉ đạt khoảng 65,2 triệu bao, trong đó sản lượng cà phê Arabica dự kiến ở mức 42,6 triệu bao, giảm 1,4% so với vụ trước.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (27/11) ghi nhận ở mức 121.800 - 122.700 đồng/kg, tăng so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái khi giá chỉ dao động trong khoảng 57.700 - 58.500 đồng/kg, giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong 15 ngày đầu tháng 11 năm 2024, Việt Nam chỉ xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 121,79 triệu USD, giảm 44,8% về lượng nhưng tăng 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11, Việt Nam xuất khẩu trên 1,17 triệu tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỉ USD, giảm 13,5% về lượng nhưng tăng 38,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu Robusta là chủ lực, đạt 964.610 tấn, kim ngạch 3,48 tỉ USD.
Theo chuyên gia nhận định giá cà phê Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Với lo ngại thiếu nguồn cung, trong khi Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới nên giá Robusta liên tục tăng cao và lập đỉnh mới. Giá cà phê Arabica cũng dao động quanh mức cao nhất trong 13 năm qua.
Thông thường các năm trước, khối lượng xuất khẩu tháng 11 tăng dần khi nông dân đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, số liệu năm nay đã phản ánh hiện tượng khác thường: Giá cà phê tăng cao nhưng sản lượng xuất khẩu giảm mạnh.
Tuy nhiên, sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm 10-15% so với niên vụ trước.
Lý giải điều này, Chủ tịch VICOFA Nguyễn Nam Hải cho hay, nguyên nhân chính là do giá cà phê leo cao, khiến không tìm được điểm cân bằng về giá giữa bên cung và bên cầu.
Người mua đợi giá hạ, người bán đợi giá tăng. Hai bên chưa tìm được giá chung để tiến hành thương vụ nên nhiều giao dịch bị chững lại. Thậm chí nhiều chủ thương lái “ém hàng” đợi giá cà phê lên cao hơn mới tung ra thị trường. Khách mua hàng quốc tế thì vẫn còn hàng dự trữ nên chưa vội chốt đơn.
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, hiện mới là đầu vụ, ông dự đoán vào nửa cuối tháng 11 và tháng 12, khi lượng cà phê thu hoạch nhiều hơn, giá cả ổn định hơn, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên.