Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 18:00
Tin nóng:
Sản lượng cà phê Việt Nam giảm mạnh, giá xuất khẩu vọt lên hơn 5.000 USD/tấn Thiếu hụt nguồn cung, sản lượng cà phê xuất khẩu tiếp tục giảm |
Giá cà phê có thể giảm, duy trì mức từ 100.000 đồng/kg trở lên
Thị trường cà phê đang trong giai đoạn khan hiếm nguồn cung, kéo theo giá vẫn neo ở mức cao. Tính đến ngày 17/8, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên khoảng 118.000 đồng/kg, cách không xa so với đỉnh giá khoảng 130.000 đồng/kg. Việc nguồn cung cạn kiệt được thể hiện qua số liệu xuất khẩu ngày càng giảm về lượng.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết, ước tính đến ngày 17/8, tồn kho chỉ còn khoảng 3% trong tổng sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024. Do đó, lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm mạnh; đồng thời hàng tồn kho chuyển sang vụ mới gần như bằng 0.
Sản lượng cà phê thu hoạch 2024 -2025 có thể giảm khoảng 15%. Ảnh minh họa |
Phải đến tháng 10 - 11 mới bắt đầu vụ thu hoạch và các doanh nghiệp sẽ vội vã mua. Lúc này, người dân có thể hái non để tận dụng giá cao, nhưng điều này ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
Ông cho rằng, diễn biến giá vào vụ thu hoạch tới sẽ khác so với mọi năm. Thông thường, cứ đến thời điểm thu hoạch, giá sẽ điều chỉnh giảm mạnh do nguồn cung dồi dào, đặc biệt vào thời điểm quý I.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch tới sẽ khác, ngay cả khi nguồn cung tăng lên trong ngắn hạn nhưng giá sẽ chỉ điều chỉnh nhẹ, duy trì mức từ 100.000 đồng/kg trở lên. Bởi, tổng nguồn cung năm tới sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, năm tới người dân cũng không phải chịu quá nhiều áp lực tài chính mà phải bán ra. Bởi, thời gian qua, giá tiêu và sầu riêng cũng đều rất cao. Người dân đã kiếm được khoản lợi khá từ các loại nông sản này nên gánh nặng về tài chính cũng được cởi bỏ.
"Giá cà phê trong vụ thu hoạch tới sẽ không xuống thấp như trước đây, theo tôi giá không thể xuống dưới 100.000 đồng/kg”, ông Sơn nhận định.
Còn theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm khoảng 15% so với niên vụ hiện tại.
“Sản lượng năm tới chắc chắn giảm. Dự báo mức giảm khoảng 15%. Lý do một phần diện tích cà phê bị thu hẹp. Ngoài ra, trong mùa khô vừa rồi, hạn hán khá nghiêm trọng. Thông thường thời điểm tháng 5,6 là giai đoạn quả cà phê phát triển nhanh chóng nhưng năm nay do thiếu nước nên hạt sẽ nhỏ lại”, ông phân tích.
Nhập khẩu cà phê từ Brazil tăng đột biến
Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, đã mua tổng cộng 17.428 tấn cà phê nhân từ Brazil trong 7 tháng đầu năm, với trị giá hơn 59 triệu USD, tăng mạnh đột biến 5,4 lần về lượng và gần 5,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng khối lượng cà phê nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Brazil kể từ trước đến nay, vượt xa con số 8.182 tấn của cả năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 7, nhập khẩu cà phê của Việt Nam từ Brazil đạt 6.762 tấn, trị giá 23,5 triệu USD, tăng gấp đôi so với tháng trước, đồng thời tăng 28 lần về lượng và 26 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngành hàng cà phê Việt Nam đang được hưởng lợi về giá từ thế giới. Theo Bloomberg, giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm. Còn theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040. Tại thị trường trong nước, giá cà phê robusta nhân xô tại khu vực Tây Nguyên dao động ở mức 120.000 – 121.200 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 13/8, giảm hơn 6% so với một tháng trước nhưng tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhiều thương nhân và nhà phân tích, giá cà phê Robusta bán buôn tại Việt Nam và giá kỳ hạn giao dịch tại sàn London đã tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu năm nay, chủ yếu do vụ thu hoạch kém ở Việt Nam và do lo ngại về vụ thu hoạch tiếp theo tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Các nhà rang xay đang bắt đầu chuyển chi phí đầu vào tăng cao vào giá bán. Bên cạnh đó, một số thương nhân cho rằng những lo lắng về sản lượng tại Việt Nam sẽ còn kéo dài vì lượng mưa không đủ. Trước đó, trong tháng 6, các quỹ đầu cơ đã gia tăng vị thế mua ròng với dự báo nguồn cung Robusta từ Việt Nam sẽ còn tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.
Hầu kết doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký kết đơn hàng nếu không chủ động được nguồn hàng. Đa số doanh nghiệp cũng phán đoán trước tình hình khó khăn về sản lượng nên những đơn hàng đã cam kết đến nay cũng đã mua đủ. Với giá tăng mạnh như hiện nay, cơ bản người mua cũng thận trọng hơn và họ sẽ chỉ mua khi thực sự cần.
Đến quý IV, giá có thể sẽ điều chỉnh xuống do nguồn hàng vụ 2024-2025 được bổ sung. Về dài hạn, chúng tôi cho rằng giá cà phê đã thiết lập mặt bằng mới trên 100.000 đồng/kg bởi các diện tích trồng cà phê của Việt Nam bị thu hẹp do chịu sự cạnh tranh bởi các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là sầu riêng. Sẽ mất nhiều thời gian hơn và giá cần phải cao hơn thì diện tích cà phê đã mất đi mới có thể phục hồi lại được.
Với việc nguồn cung hạn hẹp, lượng nhập khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là nhập khẩu từ Brazil. Về xu hướng giá, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.