Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 28/04/2025 20:04
Tin nóng:
Mở rộng cơ hội giao thương qua thương mại điện tử tại chợ truyền thống Tăng cường chống buôn lậu đối với hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử Cơ hội xuất khẩu gỗ qua sàn thương mại điện tử |
Cơ hội đan xen cùng thách thức
5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng, lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.
![]() |
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Ảnh: Phương Thảo |
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 20%/năm so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng kèm theo vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... còn diễn biến phức tạp. Tính riêng trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiếp nhận, xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Đồng thời phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán; phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Phú Thọ, Quảng Bình, Gia Lai, Bắc Ninh, Ninh Bình… trong việc cung cấp thông tin xác minh vi phạm hàng chục website/ứng dụng trong thương mại điện tử, như retamino68.com, cronbase2.one, vluky.com và 323.com, tienlientaybb2.com…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm, qua tiến hành thanh tra 2 đơn vị, kiểm tra 5 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị, tổng số tiền nộp phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước 162 triệu đồng...
Đặc biệt, livestreams bán hàng hiện đang là xu hướng phát triển nhanh của thương mại điện tử nhưng các quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có quy định riêng về chủ thể tham gia livestream (người chủ tài khoản, người tham gia livestream), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc định danh không chỉ đơn thuần mà phải định danh được cả về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hóa, định danh được số lượng hàng...
Giải pháp để phát triển bền vững
Mới đây, tại Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, việc định danh người bán trên thương mại điện tử qua VNeID là giải pháp nâng cao quản lý và kiểm soát nguồn hàng, chất lượng hàng hóa, giao dịch trên môi trường không gian mạng; đồng thời ông cũng phân tích 3 lợi ích lớn:
Thứ nhất, định danh người bán là giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp truy xuất nguồn gốc người bán, giảm nguy cơ lừa đảo, bán hàng giả. Người mua hàng từ đó thêm căn cứ để tin tưởng vào người bán, giảm thiểu rủi ro gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc các hành vi lừa đảo.
Thứ hai, giải pháp này hỗ trợ cơ quan quản lý chức năng có thể kết nối, chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch.
Thứ ba, định danh người bán là phương pháp hiệu quả tăng cường quản lý thuế, giúp xác định chính xác doanh thu thương mại điện tử, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
“Bộ Công Thương hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật chuyên ngành về thương mại điện tử, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025. Trong đó, hồ sơ dự kiến có những chính sách quy định về việc định danh người bán trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng”, ông Hoàng Ninh cho biết.
Thực tế trong năm 2024, với vai trò của mình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tham gia một số buổi tọa đàm, hướng dẫn các nền tảng thương mại điện tử về việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực người bán, qua đó, khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử này ứng dụng VNeID để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công. Các chuyên gia cho rằng, với thực tế thương mại điện tử phát triển như hiện nay việc định danh người bán trên thương mại điện tử qua VNeID là cần thiết. Bên cạnh đó, để quản lý hiệu quả cần có sự phối hợp giữa chủ thể, cơ quan thực thi, các sàn thương mại điện tử.
Ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và yêu cầu quản lý chặt chẽ từ Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường thanh kiểm tra, đồng thời phối hợp liên ngành để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử tại Việt Nam. |