Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 26/11/2024 14:32
Tin nóng:
Gia Lai: Cơ hội tiêu thụ sản vật địa phương thông qua phiên chợ nông sản an toàn Gia Lai: Nhiều món ăn độc lạ quy tụ tại Cuộc thi tay nghề ẩm thực du lịch truyền thống |
Tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại tăng
Trong vùng tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam có khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào có điều kiện phát triển thông qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai; đồng thời liên kết với các trung tâm kinh tế vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm Duyên Hải Trung Bộ. Với vị trí ấy, Gia Lai có điều kiện đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển đúng hướng, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực, thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển.
Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, xuyên suốt và kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cùng với sự hướng dẫn của Bộ Công Thương và sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân... Trong những năm qua, toàn ngành Công Thương đã bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ được giao, với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đạt được những kết quả tích cực”.
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 11,98%; Thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 14,33%; Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,45%3.
Hình minh hoạ Khu Công nghiệp Trà Đa mở rộng (TP. Pleiku) (Ảnh: Hà Duy) |
Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp đều tăng cả về số lượng cơ sở cũng như về giá trị sản xuất. Các cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, bước đầu phát huy tác dụng đã tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt đạt 24.800 tỷ đồng, 28.890 đồng và 31.620 tỷ đồng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm, 2022 và 2023 lần lượt đạt 108.000 tỷ đồng, 89.643 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 và 2023 lần lượt đạt 610 triệu USD, 660 triệu USD. Địa phương đã thành lập 14 cụm công nghiệp với diện tích 542 ha; hiện 08 cụm đã tiến hành bộ hoặc một phần với tổng vốn đầu tư 184,6 tỷ đồng và đã thu hút 72 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.280 tỷ đồng.
Hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị và nông thôn. Trong đó, có sự đóng góp và gia tăng của ngành dịch vụ logistics trong tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Cơ sở vật chất của các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng:
Về hệ thống hạ tầng giao thông, toàn tỉnh hiện có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và hàng không. Đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.862 km và Cảng hàng không Pleiku đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.
Còn nhiều khó khăn trong phát triển cụm công nghiệp và logistics
Theo ông Phạm Văn Binh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc vấp phải về phát triển hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Thực tế, hiện nay đang thực hiện thủ tục kép. Cụ thể, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và thủ tục thành lập Cụm Công nghiệp theo quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP 66/2020/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định số 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triên cụm công nghiệp). Một số cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của tỉnh như: vị trí địa lý chưa thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật cụm chưa được đầu tư bài bản.
Đối với vấn đề phát triển logistics, hệ thống pháp luật logistics hiện nay đang từng bước hoàn thiện, tuy nhiên chưa đồng bộ và phải chịu sự điều tiết của nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics, đặc biệt là những chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics.
Ngoài ra, các liên kết liên vùng quan trọng, cũng như mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý. Tuy nhiên, năng lực khai thác thấp, thiếu tính kết nối, chưa có đường bộ cao tốc làm giảm hiệu quả khai thác; kết nối với Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/O Ya Dao thông qua Quốc lộ 19 chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD) nên hiệu quả khai thác vận tải chưa cao.
Các dịch vụ logistics có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác (như: Hỗ trợ bảo quản, đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật...) hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, đối với việc phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, Sở Công Thương Gia Lai đã có đề xuất về việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương có nhu cầu thành lập, mở rộng cụm công nghiệp về công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm; ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp dự án đầu tư thứ cấp có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư tại các Cụm Công nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
“Đối với việc phát triển logistics, cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thông thoáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhằm thu hút kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics của tỉnh. Triển khai kêu gọi, đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các cảng cạn, trung tâm logistics theo quy hoạch tỉnh Gia Lai được phê duyệt. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19); sớm triển khai đầu tư Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và mở rộng Cảng hàng không Pleiku. Ngoài ra tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến các nội dung: Đào tạo, nâng cao nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực; về cơ chế, chính sách; các biện pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ; các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ; các biện pháp hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản... gắn với dịch vụ logistics”- ông Binh cho hay.
“Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực logistics”- ông Binh cho biết thêm