Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 10:21
Tin nóng:
Tiếp tục đôn đốc các địa phương xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội Duy nhất một dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành trong quý 3/2024 |
Lỗ hổng trong quá trình xét duyệt
Nhằm góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Còn nhiều bất cập trong phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Bảo Tín |
Trong báo cáo thị trường mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình triển khai dự án nhà ở xã hội trên cả nước vẫn chậm. Quý III/2024, trên cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn; trong số đó chỉ có 1 dự án đã hoàn thành một phần với quy mô 200 căn.
Tính cả giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước mới có 79 dự án hoàn thành với hơn 42.400 căn, đạt khoảng 10% chỉ tiêu đến năm 2025 trong đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, 131 dự án đã khởi công, dự kiến cung ứng gần 112.000 căn.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn, nhưng xem ra khó đạt được.
Đáng nói, không chỉ không hoàn thành tiến độ xây dựng mà thời gian qua thường xuất hiện tình trạng người có điều kiện kinh tế tốt tranh suất mua nhà ở xã hội, hoặc có người giàu nhưng lại là chủ sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 28/10, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh, nếu thanh tra kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp không đúng đối tượng sở hữu nhà ở xã hội. Còn tình trạng người không thuộc diện ưu tiên, người có thu nhập cao vẫn sở hữu được nhà ở xã hội, trong khi những người thực sự cần lại khó tiếp cận.
Thậm chí có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng đã xuất hiện rao bán trên các trang mạng xã hội. Điều này gây ra nghịch lý khi đối tượng có nhu cầu thực sự không được hỗ trợ, còn những người không đúng tiêu chuẩn lại trục lợi từ chính sách.
Sự khan hiếm nguồn cung khiến nhu cầu nhà ở xã hội vượt qua khả năng cung cấp, nhất là trong bối cảnh giá nhà tăng cao như hiện nay càng kiến người lao động có nhu cầu thực sự khó tiếp cận loại hình nhà ở này.
Nhanh chóng xóa bỏ bất cập
Chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ như hiện nay. Tháng 5 vừa qua, Trung ương đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; trong đó nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
Trước đó, tại Kỳ họp tháng 10/2023, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030.
Tháng 7 vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP được kỳ vọng khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chủ thể liên quan, gồm cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người thụ hưởng.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ, với những nội dung tại Luật Nhà ở và Nghị định 100/2024/NĐ-CP mới có hiệu lực, chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được hỗ trợ như hiện nay, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo điều kiện để thi hành các điều kiện mới; tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn; đồng thời cần công khai minh bạch việc mua bán nhà ở xã hội, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng mua, thuê, thuê mua.
Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, để xóa bỏ bất cập trong lĩnh vực nhà ở xã hội, đã đến lúc cần luật hóa các nội dung quan trọng trong các nghị quyết, đề án về phát triển nhà ở xã hội, nhất quán trong các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ và đảm bảo nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích, phục vụ đúng đối tượng cần hỗ trợ, Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn An (tỉnh Thái Bình) đề xuất, phát triển nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước nên để cho thuê dài hạn thay vì bán đứt như hiện nay.
Trước thực tế tới hơn 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư; trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn cho đời sống công nhân lao động, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần sớm triển khai một cách tích cực và có hiệu quả việc xây nhà ở cho công nhân, có như thế mới giải quyết nhanh bài toán làm thế nào có nhà ở cho công nhân, đặc biệt với các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều công nhân lao động, nhiều khu, cụm, công nghiệp.