Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 10/09/2024 06:41
Tin nóng:
Với tiềm năng về ngành hàng nông sản, việc liên kết chặt chẽ giữa 6 tỉnh khu vực Việt Bắc trong việc phát triển, xây dựng thương hiệu là vô cùng cấp thiết, từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Vùng Việt Bắc, gồm 6 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn, là khu vực có tiềm năng to lớn về nông sản và du lịch nhờ vào điều kiện tự nhiên phong phú cùng văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, để phát huy hết những lợi thế này, việc liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu nông sản đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Vùng Việt Bắc nổi tiếng với nhiều loại nông sản đặc trưng như chè Thái Nguyên, cam sành Hà Giang, hạt dẻ Trùng Khánh, và nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi Xã Một Sản Phẩm). Những sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại đây. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm này thành thương hiệu lớn mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế vẫn gặp nhiều thách thức.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP vùng Việt Bắc thành thương hiệu lớn mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế vẫn gặp nhiều thách thức - Ảnh: Báo Đại đoàn kết |
Mặc dù đã có những bước tiến nhất định, song sự phát triển nông sản của vùng vẫn còn phân tán, thiếu đồng bộ. Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 06 tỉnh Việt Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất cho rằng, hoạt động xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng như vùng Việt Bắc chủ yếu phát triển theo hướng riêng lẻ, chưa có chiến lược chung, dẫn đến việc chưa khai thác hết tiềm năng và chưa tạo được thương hiệu mạnh mẽ. Điều này đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để cùng nhau xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vùng Việt Bắc.
Giải quyết thách thức này, 6 tỉnh đã phối hợp cùng nhau tổ chức “Ngày hội Nông sản OCOP và Văn hóa Ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc” nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương và thu hút du khách. Ngày hội diễn ra từ ngày 24 – 28/8/2024, thu hút hơn 100 gian hàng đến từ các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Các tỉnh trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông - lâm - hải sản và chế biến thực phẩm và các sản phẩm, dịch vụ khác có liên quan…
"Ngày hội Nông sản OCOP và Văn hóa Ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc” diễn ra từ ngày 24 – 28/8/2024 nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương và thu hút du khách. |
Tại gian hàng của tỉnh Bắc Kạn, nhiều sản phẩm đặc sản mang đậm giá trị văn hoá bản địa đã được trưng bày, giới thiệu và quảng bá. Bà Ma Thị Ninh giám đốc HTX Yến Dương chia sẻ, năm nay nhiều sản phẩm OCOP nổi bật, như đặc sản miến dong, bí xanh thơm, gạo nếp sén cù, mây tre đan.. được nhiều du khách quan tâm đặt hàng và mua về làm quà biếu tặng.
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều sản phẩm OCOP đặc sản, đặc trưng mà không nơi nào có được. Trong đó, sản phẩm bí xanh thơm của huyện Ba Bể là ví dụ - Ảnh: Báo Đại đoàn kết |
Tham gia Ngày hội, tỉnh Cao Bằng có 6 gian hàng, trong đó có 3 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP như: lạp sườn, thạch đen, măng, miến, bánh khảo, bún ngũ sắc, chè lam, khẩu sli, hồng trà, lục trà, cao xỏm đeng, thạch xỏm đeng …; 2 gian hàng ẩm thực trình diễn làm bánh cuốn ngô; 1 không gian quảng bá văn hoá - du lịch, với chủ đề “Non nước Cao Bằng - Top 10 điểm đến du lịch thân thiện nhất Việt Nam năm 2024”. Các gian hàng chú trọng quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, đặc sản địa phương mang đậm giá trị văn hoá bản địa, phát triển sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm của người Tày, các mặt hàng đan lát, thêu của đồng bào dân tộc Tày, Mông, Dao…
Gian hàng của tỉnh Cao Bằng trưng bày tại Ngày hội - Ảnh: Báo Cao Bằng |
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất kinh doanh của các tỉnh trong vùng Việt Bắc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường và cũng là dịp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng như các đặc sản của 6 tỉnh Việt Bắc tới các doanh nghiệp, nhà phân phối và đông đảo người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất phát biểu tại Ngày hội nông sản OCOP - Ảnh: Báo Bắc Kạn |
Tương tự, tại sự kiện tỉnh Hà Giang đã trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Các loại trà Shan tuyết, mật ong bạc hà, thịt lợn đen gác bếp, phở ngô, trà khổ qua, hà thủ ô, tinh bột nghệ, bánh tam giác mạch…Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, sự kiện là cơ hội quảng bá các sản phẩm hàng hóa, văn hóa ẩm thực đặc sắc của các tỉnh Việt Bắc tới nhân dân và du khách; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó thúc đẩy kích cầu tiêu dùng và du lịch.
Các đại biểu tham quan gian hàng của Hà Giang - Ảnh: Báo Hà Giang |
Ngoài ra, các tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, hội thảo về nông sản, tạo nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu chung. Điển hình như sự kiện “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã giúp kết nối du lịch với nông sản, tạo ra chuỗi giá trị mới, nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư.
Việt Bắc không chỉ là vùng đất của những di sản văn hóa và lịch sử, mà còn là nơi có tiềm năng nông sản phong phú. Những nỗ lực liên kết đã mang lại kết quả ban đầu tích cực, nhưng để đạt được mục tiêu lâu dài, cần có sự cam kết hơn nữa từ các tỉnh thành, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp để xây dựng nên một thương hiệu nông sản Việt Bắc mạnh mẽ, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế vùng một cách bền vững.