Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:42
Tin nóng:
Công bố Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn Hà Nội: Khu tập thể Thành Công có thể thành chung cư 24 tầng |
Xây dựng và phát triển trục sông Hồng
Theo Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều đột phá |
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và hoạt động quy hoạch nói chung đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017. Bên cạnh đó, một số nội dung chưa được đề cập tại Quy hoạch chung năm 2011, song nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị (chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh... Do đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là đặc biệt cần thiết.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã với quy mô khoảng 3.359,84km2.
Theo Đồ án, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình cấu trúc không gian vành đai và hướng tâm; phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình TOD xung quanh đô thị lịch sử để thu hút nhu cầu phát triển dân số; kết hợp hài hòa giữa cấu trúc không gian với cấu trúc giao thông, cấu trúc tự nhiên và mạng lưới trung tâm chức năng đô thị. Hệ thống đô thị được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị thông minh bền vững, với các khu vực đô thị nén tập trung theo mô hình TOD và các đô thị sinh thái tại khu vực ngoại thành; xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành trung tâm, biểu tượng của vùng đô thị Hà Nội trong tương lai.
Phát triển hài hòa hệ thống đô thị và nông thôn; quy hoạch khu vực nông thôn hài hoà, định hướng phát triển nông thôn, đảm bảo giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích, di sản, không gian, cảnh quan môi trường, công trình kiến trúc, cảnh quan có giá trị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; phát triển kinh tế nông thôn gắn với kinh tế sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa, di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống để phát triển các dịch vụ du lịch; quy hoạch phát triển nông thôn sinh thái, xanh, hiện đại, nông dân văn minh.
Làm rõ hơn vai trò, vị thế Hà Nội trong liên kết vùng
Tại Hội nghị thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 16/3, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc phối hợp với các sở, ngành của thành phố Hà Nội triển khai lập quy hoạch.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội theo chủ trương, định hướng đã được Trung ương, Bộ Chính trị nêu trong các Nghị quyết về định hướng phát triển Thủ đô, đồng thời cảm ơn Bộ Xây dựng, các Bộ ngành Trung ương, các chuyên gia thành viên Hội đồng đã quan tâm, đóng góp ý kiến giúp UBND thành phố hoàn thiện Đồ án đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được UBND thành phố dành nhiều quan tâm, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt và được đơn vị tư vấn phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện rất công phu, bám sát Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hồ sơ Đồ án, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, ủy viên hội đồng, đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quy hoạch chung năm 2011.
Ngoài ra, cụ thể hóa những chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị trong định hướng phát triển Thủ đô; thể hiện rõ các kịch bản phát triển; rà soát, đánh giá đầy đủ hiện trạng, đặc biệt là hiện trạng sử dụng đất; đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 trong triển khai đầu tư phát triển đô thị trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội trong liên kết vùng để đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với chia sẻ chức năng giữa Thủ đô Hà Nội với các đô thị trong vùng; đảm bảo sự thống nhất, phù hợp của dân số, đất đai với nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các Luật liên quan; nghiên cứu, làm rõ giải pháp quy hoạch, định hướng kiến trúc nhằm phát huy định hướng trục cảnh quan sông Hồng; quan tâm phục hồi cảnh quan, chất lượng nước các dòng sông trên địa bàn Thủ đô; sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án để UBND thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.