Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 04/12/2024 00:26
Tin nóng:
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam vừa cho biết, các thủ đoạn lừa đảo đang tiếp tục diễn ra một cách tinh vi trên phạm vi toàn cầu. Gần đây có nhà xuất khẩu đã bị đối tác mạo danh có địa chỉ tại Canada, LASSONDE INDUSTRIES INC, mua hàng giao về cảng đến tại Uganda, chứng từ giao về ngân hàng tại Hoa Kỳ.
Sau khi phát hiện bất thường, nhà xuất khẩu nhận ra bộ giấy tờ giao về địa chỉ không phải của ngân hàng và đã bị lấy mất. Hậu quả, có thể hàng hoá sẽ bị đối tượng mạo danh lấy mất khi cập cảng.
Đây là sự việc hết sức đáng tiếc mà Hiệp hội đã liên tục cảnh báo sau khi xảy ra vụ việc 5 container hàng bị lừa lấy mất giấy tờ tại Dubai.
Để giảm thiểu rủi ro khi giao dịch với khách hàng quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam liên tục khuyến cáo và đề nghị các nhà xuất khẩu trước khi giao dịch phải thực hiện nhiều bước: Xác minh đối tác; Xác minh ngân hàng; Yêu cầu ngân hàng Việt Nam giúp xác minh địa chỉ gửi chứng từ với ngân hàng đối tác trước khi gửi chứng từ qua DHL (dịch vụ vận chuyển bưu phẩm và tài liệu).
Xác minh chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, trong đó có lưu ý yêu cầu đặt cọc và hình thức thanh toán an toàn, có tính đến mức độ rủi ro của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó là nâng cao nghiêp vụ, chuyên môn thương mại quốc tế cho đội ngũ nhân sự; tận dụng các hệ thống thông tin trợ giúp từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán/Thương vụ, Hiệp hội…
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang đi vào suy thoái và dự báo tình hình năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, thị trường chưa hồi phục mạnh, biên độ lợi nhuận ngày càng giảm do cạnh tranh cao trên thị trường... thì diễn biến tội phạm mạng xuyên biên giới sẽ ngày càng phổ biến và tinh vi, phức tạp.Để giảm thiểu thiệt hại và ngăn ngừa tối đa các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong giao dịch thương mại quốc tế, Hiệp hội khuyến cáo: Yêu cầu tiên quyết và đầu tiên đối với nhà xuất khẩu là trước khi thực hiện giao dịch phải tiến hành mọi biện pháp có thể để xác minh thông tin liên quan về đối tác như gợi ý nêu trên.
"Hơn ai hết, nếu có rủi ro thì các nhà xuất khẩu là người phải chịu tổn thất nên việc trang bị nghiệp vụ, biện pháp phòng tránh rủi ro không bao giờ là thừa" - Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị khẳng định.
Trước đó, vào tháng 7/2023, đã có 5 container hàng gồm: Hồ tiêu (2 lô), hạt điều, quế, hoa hồi trị giá 516.761 USD của 4 doanh nghiệp hội viên VPA bị lừa đảo tại Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UEA) khi giao dịch với cùng 1 đối tác.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, 4 container với giá trị hơn 400.000 USD đã được lấy lại, nhưng vẫn còn 1 container hàng đang ở Dubai tới nay vẫn chưa giải quyết được.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất.
Với hình thức trả sau, bên mua nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng với đó là hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố.
Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản, còn bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.
Tại Hội nghị "Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế" diễn ra vài ngày trước, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, thời gian qua, các vụ lừa đảo thương mại thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh. Mặc dù Thương vụ đã không ít lần cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng số vụ lừa đảo vẫn không hề giảm. Trung bình mỗi tháng Thương vụ Việt Nam tại Canada tiếp nhận khoảng 10 vụ việc.
Bà Quỳnh cho hay, đối tượng lừa đảo chủ động tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam bằng cách gửi tin nhắn, email về mong muốn ký đơn hàng giá trị lớn. Họ sẵn sàng cung cấp giấy tờ mà công ty Việt Nam yêu cầu từ hồ sơ đăng ký kinh doanh, giấy nộp thuế, giấy xác nhận ngân hàng đều được đóng dấu tươi…
"Thị trường toàn cầu khó khăn, đơn hàng sụt giảm nhiều. Doanh nghiệp xuất khẩu thôi thúc tìm đơn hàng, bởi vậy khi nhận được đơn hàng từ nước ngoài đã có tâm lý chủ quan", bà Quỳnh chia sẻ.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, các vụ việc lừa đảo thời gian qua có thể xảy ra ở mọi mặt hàng, từ thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng... Tuy nhiên nông sản hay là "nạn nhân", bởi hàng nông sản dễ chia nhỏ để bán, khó truy xuất nguồn gốc. Sau khi lấy được hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ lập tức tẩu tán, bán lại cho bên thứ 3.
Trong năm 2022, gần 100 container hạt điều trị giá 200 triệu USD xuất khẩu sang Italy suýt bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cả Việt Nam và Italy nên đã kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp.