Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 02:43
Tin nóng:
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, song Việt Nam vẫn nỗ lực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn từ tháng 8/2020, qua 3 năm thực thi khai đã tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã phục hồi từ mức giảm 1,8% (năm 2020) tăng lên 14,2% (năm 2021) và 16,8% (năm 2022). (Ảnh: Vietnam+) |
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi EVFTA đối với kinh tế Việt Nam,” diễn ra ngày 27/10, tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô-Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp-CIEM, cho biết EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. Cụ thể, xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và EU (không tính Anh) trong giai đoạn 2012-2022 có xu hướng mở rộng quy mô và đối tác, tốc độ tăng trưởng trung bình xuất khẩu đạt 10,5%/năm và nhập khẩu đạt 6,4%/năm. Nổi bật, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã phục hồi từ mức giảm 1,8% (năm 2020) tăng lên 14,2% (năm 2021) và 16,8% (năm 2022).
Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi EVFTA đối với kinh tế Việt Nam,” ngày 27/10. (Ảnh: Vietnam+) |
Đối với đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt. Báo cáo chỉ ra EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tiếp cận và mở rộng dự án ở Việt Nam nhờ vào các chính sách ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, tỷ trọng vốn đăng ký đã tăng từ 5% (bình quân giai đoạn 2016-2020) lên mức 8,9% (năm 2022) và 9,2% (trng nửa đầu năm 2023).
Từ góc độ thể chế, ông Dương chỉ ra EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Kết quả phân tích từ nghiên cứu cho thấy các lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính đến mua sắm công, đã có nhiều điều chỉnh về các thể chế. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
Các kiến nghị, giải pháp tập chung vào thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các sáng kiến phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+) |
Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nhóm nghiên cứa báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị chính sách như rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi. Điều này nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ cũng như việc nhất quán các cam kết. Đặc biệt, báo cáo lưu ý đến việc cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.
Ngoài ra, các cấp quản lý trung ương đến địa phương cần tăng cường phối hợp đồng bộ đồng thời chú trọng hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện cho nhóm báo cáo, ông Dương cho rằng để phát huy hiệu quả cơ hội từ EVFTA, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi thêm về tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực thi EVFTA trong giai đoạn 2020-2023. Các kiến nghị, giải pháp tập chung vào thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các sáng kiến phát triển bền vững, hợp lý hóa các dịch vụ tài chính và quy trình mua sắm công phù hợp với EVFTA trong thời gian tới.