Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 18:46
Tin nóng:
Sắc màu chợ phiên Mèo Vạc Hà Giang: Chợ phiên Đồng Văn - điểm hẹn văn hoá trên cao nguyên đá Hà Giang: Khai thác giá trị văn hóa cho phát triển du lịch ở Quản Bạ |
Tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông sản có giá trị cao, đặc trưng cho từng vùng miền. Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu thì công tác quảng bá cũng được quan tâm hơn, đưa nông sản địa phương đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Hà Giang xác định xúc tiến thương mại trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh. Nhận biết được lợi ích đó, bên cạnh các điểm bán hàng cố định, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương đã thành lập sàn thương mại điện tử Hà Giang dacsanhagiang.net với chức năng quảng bá, giới thiệu, đồng thời phân phối, mua bán nông sản địa phương thuận lợi hơn.
Tỉnh Hà Giang đang nỗ lực cùng nông dân trong xây dựng tem, nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Ảnh: Nguyễn Quân |
Sàn thương mại điện tử Hà Giang được thành lập năm 2019. Đến nay, đã có hơn 533 tài khoản được đăng kí, tạo 132 gian hàng, 23 website kết nối và 320 sản phẩm được đưa lên sàn; nhận được 355 đơn hàng đăng ký mua các sản phẩm tiêu biểu.
Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương tỉnh đã đầu tư thuê dịch vụ hỗ trợ (thuê server lưu trữ, quản trị, bảo mật, quản trị vận hành), nâng cấp và quảng cáo để tăng lượng truy cập website sàn thương mại điện tử Hà Giang. Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu của các đơn vị thành viên qua các kênh truyền thông, mạng xã hội như facebook, zalo…
Nhờ những nỗ lực trên, ngày càng có nhiều người biết tới sàn thương mại điện tử Hà Giang cũng như những sản phẩm nông sản chất lượng, đặc trưng của địa phương, từ đó thu hút và xây dựng thương hiệu nơi khách hàng.
Ngoài ra, để tối ưu hoá khả năng quảng bá, đưa nông sản địa phương tới nhiều người tiêu dùng hơn nữa, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương tỉnh rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các gian hàng quảng bá ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thậm chí ở nước ngoài. Có thể kể đến một số sự kiện diễn ra trong thời gian qua như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 tại Hà Nội, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng trung du, miền núi phía Bắc, Lễ hội Văn hóa, du lịch ẩm thực quốc tế Hà Giang lần thứ I năm 2024. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, ông Trần Việt Thế cho biết: Thời gian gần đây, một lượng lớn nông sản của tỉnh được tiêu thụ nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức, chú trọng đầu tư nhãn mác, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; giúp sản phẩm tiêu biểu của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hà Giang cũng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; khai thác văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc Hà Giang thành sản phẩm du lịch độc đáo gắn với du lịch cộng đồng.
Theo ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, có thể phục vụ phát triển du lịch, tiêu biểu như cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, hồng không hạt, gạo Già Dui, hoa tam giác mạch, đào, lê, mận… Với chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, một số địa phương của Hà Giang có thể xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, trong đó có thể kể đến: Vườn cam sành VietGAP tại huyện Bắc Quang; ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì; chè Shan tuyết tại Vị Xuyên; thảo nguyên Suôi Thầu tại Xí Mần; hoa tam giác mạch, cây ăn quả tại các huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn...
Các sản phẩm nông nghiệp tại Hội thi "Biểu tượng chợ về trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" tỉnh Hà Giang đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Nguyễn Quân |
Bên cạnh đó, ngày 25/10 vừa qua, Hội nông dân tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thi "Biểu tượng chợ về trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" tỉnh Hà Giang, năm 2024 với 11 gian hàng của các huyện, thành phố và 4 gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng.
Đây là hoạt động quan trọng góp phần giới thiệu, quảng bá, giao lưu các sản phẩm nông sản, nông nghiệp đặc trưng của Cao nguyên đá Hà Giang đến với người tiêu dùng. Đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp trong xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của vùng đất địa đầu Tổ quốc này.