Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 20:25
Tin nóng:
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại lập đỉnh, nông dân lãi lớn Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đắt nhất thế giới |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thời gian qua, lúa gạo tiếp tục tạo ra kỳ tích mới. Gạo Việt ngày càng vươn xa, khẳng định vai trò, vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, nhưng chinh phục thị trường đã khó, giữ vững thị trường và “ngôi vương” càng khó hơn. Vì vậy, cần có cái nhìn dài hơi và định hướng lại sản xuất, chế biến nhằm gia tăng giá trị, giúp ngành hàng lúa gạo đi được đường dài.
Tăng cường liên kết
Xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2023 tuy không đạt đỉnh cao nhất về lượng với 7,753 triệu tấn, nhưng lập kỷ lục về kim ngạch với 4,408 tỷ USD. Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Vui mừng hơn khi mới đây, gạo ST25 lại tiếp tục giành danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, gạo Việt giữ vị trí “ngôi vương” một phần là do tận dụng được thời cơ. Kỳ tích lúa gạo hiện tại không bảo đảm chắc chắn cho thành công mới trong tương lai.
Nguyên nhân được chỉ ra là do quy mô sản xuất lúa gạo hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán khiến chất lượng gạo không đồng đều. Các doanh nghiệp chủ yếu mua lúa của nông dân thông qua trung gian, thương lái; tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác với nông dân còn thấp dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa. Ảnh: HIỀN THANH |
Nghiên cứu về lúa gạo, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, không khỏi lo lắng khi giá lúa tăng, nhưng chỉ khoảng 20% nông dân được hưởng lợi. Sở dĩ mức lợi của bà con không cao là do mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hiện nay còn khá khiêm tốn. Bằng chứng qua khảo sát tại 6 địa phương trồng lúa trọng điểm ở ĐBSCL, hiện mới có khoảng 25% nông dân tham gia tổ hợp tác và HTX; hợp đồng tiêu thụ lúa tại nhiều địa phương mới chiếm tỷ lệ 15% trên tổng diện tích. Vì vậy, giải pháp căn cơ hiện nay là nông dân phải tham gia vào các HTX, liên kết chặt giữa HTX và doanh nghiệp. “Khi đã liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị sẽ tạo điều kiện đưa ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; nông dân sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, theo đặt hàng của doanh nghiệp; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đồng đều... Có như thế mới bảo đảm giữ vững đẳng cấp của hạt gạo Việt trước những cạnh tranh không ngừng của các nước”, TS Đặng Kiều Nhân phân tích.
Một vấn đề mà các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết để ngành hàng lúa gạo phát triển ổn định là hướng đến sản xuất xanh, sạch và đa dạng sản phẩm. Theo bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây (TP Hồ Chí Minh): Người tiêu dùng hiện tại không chỉ chú trọng ăn gì mà còn phải ngon, sạch, ngoài ra yếu tố tiện lợi cũng rất quan trọng. Ở Hàn Quốc một năm sản xuất có 4 triệu tấn lúa mà họ làm ra bánh gạo Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam, ăn rất ngon. Đối với Công ty Bình Tây, dù quy mô nhỏ nhưng xuất khẩu bánh tráng, phở với doanh thu 20 triệu USD. Điều đó cho thấy khâu chế biến rất quan trọng. Vì thế, gạo Việt không chỉ xuất khẩu thô mà cần có chính sách nâng cao giá trị qua chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm làm từ gạo như: Nước uống từ gạo, sữa gạo, mỳ, bún... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ở thị trường thế giới.
Tạo thêm nhiều thương hiệu “Vietnam rice”
Theo GS, TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL: Gạo Việt thời gian qua liên tục lập kỳ tích, song xét cho cùng vẫn chưa thể bảo chứng lâu dài cho thương hiệu gạo Việt. Theo đó, phát triển thương hiệu gạo Việt không chỉ là đăng ký nhãn hiệu hay kết quả thắng giải gạo ngon của một vài cuộc thi quốc tế, mà quan trọng hơn là quá trình liên tục duy trì và phát triển những giá trị vật chất, phi vật chất gắn liền với hạt gạo và chuỗi giá trị lúa gạo. Điều này, chúng ta đang thiếu và yếu. Minh chứng với gạo ST25, bản thân ông Hồ Quang Cua-“cha đẻ” của giống lúa hai lần được công nhận ngon nhất thế giới cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp... Đây là hạn chế khiến lượng xuất khẩu gạo ST25 chưa cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình cho rằng: "Thời gian gần đây, doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu và một vài thương hiệu Việt đã có mặt trên các thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), song số lượng vẫn khiêm tốn. Phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều là gạo thô. Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với những thương hiệu do các nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood)".
Theo dự báo từ nay đến giữa năm 2024, giá gạo sẽ vẫn giữ ổn định trong bối cảnh các nước tiếp tục tăng cường dự trữ lương thực trước các yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu và chính trị. Ngoài tận dụng thời cơ, các chuyên gia cho rằng về lâu dài, để ngành gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo và thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.
Kiến nghị về chính sách, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam đề xuất: “Để xây dựng thương hiệu gạo Việt, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm”.
Khuyến nghị về giải pháp đa dạng thị trường, TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, ngành gạo cần bảo đảm độ thuần chủng và không ngừng cải tiến chất lượng đối với các giống lúa tốt như ST24, ST25. Bên cạnh đó, tùy theo từng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tạo ra giống lúa thích hợp để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Chẳng hạn, người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo; người dân Trung Đông thích gạo khô; người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm. Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng, miền và thương hiệu doanh nghiệp. “Một số doanh nghiệp gạo hiện còn đưa ra chiến lược đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, khép kín từ khâu giống đến tiêu thụ, phát triển nhiều giống và loại gạo khác nhau. Đây là bước đi đúng hướng, bởi xây dựng thương hiệu gạo trong nước cũng chính là bước đầu hình thành thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, TS Lê Văn Bảnh chia sẻ.