Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 00:15
Tin nóng:
Giá trị gạo được nâng cao
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ở kỳ niêm yết gần nhất, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm thêm 5 USD/tấn, đưa giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức 643 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 628 USD/tấn.
Ngược lại, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lại giảm, ở mức 569 USD/tấn (gạo 5% tấm, giảm 1 USD/tấn) và 523 USD/tấn (gạo 25% tấm, giảm 1 USD/tấn).
Ảnh minh họa |
Khảo sát của PV cho thấy, ngày 25.10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan không thay đổi, ở mức 563 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng giữ nguyên ở mức 483 USD/tấn;
Tuy nhiên, gạo 100% tấm của Pakistan tăng 10 USD/tấn, xuất khẩu với giá 643 USD/tấn, nguyên nhân bởi do hiện nay, cả Việt Nam và Thái Lan - 2 quốc gia xuất khẩu gạo lớn sau Ấn Độ đều không xuất khẩu loại gạo này, nguồn cung trên thị trường thế giới không nhiều.
Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Miến Điện cũng không thay đổi, ở mức 588 USD/tấm.
So sánh giá gạo với các nước xuất khẩu gạo truyền thống cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.
Một số doanh nhân xuất khẩu gạo cho hay, mức giá mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo trên website chỉ là giá bán bình quân mang tính chất tham khảo, còn trên thực tế, các doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo với giá cao hơn bảng niêm yết của VFA rất nhiều.
“Hiện tại, với gạo 5% tấm, không một doanh nghiệp xuất khẩu nào ký hợp đồng dưới 660 USD/tấn” – ông Phạm Thái Bình – CEO Trung An khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice cũng cho hay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới đều ở mức 660-670 USD/tấn, gần tiệm cận với mức giá xuất khẩu gạo cao nhất hồi tháng 8.2023 - là mức giá cao nhất trong vòng 15 năm nay.
Nhấn mạnh nguyên nhân giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ “ngôi vương” trong khi gạo Thái Lan – một thương hiệu gạo cũng có tiếng trên thị trường quốc tế lại giảm, các doanh nhân cho rằng, tùy thời điểm, lượng dự trữ, thậm chí tùy tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô của từng quốc gia mà giá gạo xuất khẩu được điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng, những năm gần đây Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã làm nhiều việc để thay đổi chất lượng gạo Việt. Cụ thể là đa dạng hóa các loại giống lúa có chất lượng cao, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, thân thiện môi trường... nâng cao chất lượng gạo đáp ứng khẩu vị theo yêu cầu người tiêu dùng kể cả trong nước và thế giới. Điều này đã nâng cao được giá trị hạt gạo.
Giá cao nhất thế giới vẫn không giảm sức cạnh tranh
Mặc dù giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc vẫn tìm đến đàm phán hợp đồng, thu mua.
“Điểm ưu việt, đặc biệt của gạo Việt Nam là khi đến tay nhà nhập khẩu luôn tươi mới, do trồng vụ nào đưa vào xuất khẩu vụ đó, không có gạo tồn kho. Đặc điểm này các quốc gia khác gần như không làm được.
Trung An sản xuất gắn liền với xuất khẩu ở phân khúc gạo thơm, chất lượng cao nên thị trường đầu ra khá ổn định, trải đều cho các tháng trong năm. Từ nay đến cuối năm chúng tôi xuất khoảng 20.000 tấn nữa”, ông Phạm Thái Bình phấn khởi nói.
“Ăn theo” mức tăng của giá gạo thế giới, tại các kho xuất khẩu, giá các loại gạo nguyên liệu tăng 50–100 đồng/kg so với ngày 24.10. Cụ thể, tại Đồng Tháp, giá gạo nguyên liệu OM 5451 tăng 50 đồng/kg lên mức 13.000 – 13.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 12.800 – 12.900 đồng/kg; gạo OM 380 dao động 12.750 - 12.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Tại An Giang, gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.900 đồng/kg; gạo OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 12.950 - 13.100 đồng/kg.
Tại các chợ dân sinh, giá gạo tại Tiền Giang, Đồng Tháp hôm nay cũng tăng 50 – 100 đồng/kg. Tại Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 13.000 – 13.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.900 – 13.000 đồng/kg…
Các thương lái cho hay, với mức giá cao như hiện nay, nông dân trồng lúa đang thu lãi lớn.