Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 12:37
Tin nóng:
Quảng bá nông sản Việt tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 136 Quảng bá nông sản Việt với hình ảnh quà tặng chất lượng cao để nâng tầm giá trị |
Điểm yếu của nông sản Việt là gì?
Dù các siêu thị đã nỗ lực tiêu thụ và quảng bá nông sản Việt bằng rất nhiều hoạt động, song nhiều ý kiến cho rằng, nông sản Việt vẫn khó vào siêu thị. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Đông cho biết, hiện nay, có 3 vấn đề lớn mà các nhà sản xuất phải lưu ý đến. Thứ nhất là sản phẩm hiện nay còn một số điểm yếu trong việc đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai, hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi nên sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, là rào cản khiến hàng hoá khó đưa vào siêu thị.
Hệ thống siêu thị Coop Mart ưu tiên phân phối nông sản Việt (Ảnh: Saigon Coop) |
Chưa kể, doanh nghiệp còn chưa chú ý xây dựng thương hiệu, chưa rõ mã số vùng trồng, bao bì chưa bắt mắt. Nhiều sản phẩm còn thiếu truy xuất nguồn gốc, khiến người tiêu dùng chưa yên tâm khi lựa chọn sử dụng.
Ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ thêm, điểm dễ dàng nhận thấy nhất là nông sản, trái cây mùa vụ của nước ta có thời gian thu hoạch ngắn, có những loại chỉ trong 1-2 tháng phải tiêu thụ hết nên tạo ra áp lực lớn lên các đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng, từ người dùng đến đơn vị cung ứng, bảo quản và doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, MM Mega Market phải luôn có kế hoạch làm việc với HTX, hộ nông dân trong ngắn hạn và trung hạn để đảm bảo hàng hóa của các hộ nông dân và HTX sản xuất ra được tiêu thụ trong hệ thống. Các đối tác sẽ yên tâm trong trồng và nuôi sản phẩm theo mùa vụ khi đảm bảo sản phẩm chắc chắn được bao tiêu.
“Làm việc trực tiếp với hộ nông dân là thách thức với đơn vị tiêu thụ như chúng tôi vì các hộ nông dân rất nhiều, sản xuất nhỏ lẻ, trong khi sản phẩm đưa vào siêu thị thì phải đảm bảo về số lượng. Cho nên các nông hộ nên tham gia vào HTX để đảm bảo số lượng cung ứng cho nhà bán lẻ. Đồng thời đảm bảo rằng hết mùa sản phẩm này thì sẽ cung ứng đặc sản khác, sẽ đảm bảo không bị đứt hợp đồng” – ông Nguyễn Anh Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, đồng ý kiến với bà Dung, ông Phương cũng cho rằng, các hộ nông dân và nuôi trồng hiện nay cần phải nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển để hàng hóa tới được các điểm tiêu thụ là các trung tâm lớn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Vì đây là các khâu yếu của người nông dân.
Siêu thị đồng hành, nông sản Việt cần nâng cao chất lượng
Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, nhưng nhìn chung, nông sản Việt Nam có chất lượng ngày càng nâng cao, đa dạng về chủng loại nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Do đó, các kênh phân phối cũng ưu tiên bày bán, tiêu thụ nông sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, hệ thống phân phối Coop Mart luôn ủng hộ và hợp tác các HTX nông nghiệp nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường cũng như phát triển kinh doanh. Đối với các HTX nông nghiệp, Coop Mart hỗ trợ bằng nhiều biện pháp như hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị; hỗ trợ vị trí tốt nhất để bày bán sản phẩm; thường xuyên làm việc với các chủ thể, doanh nghiệp để thông tin cho họ về nhu cầu của người tiêu dùng nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Hiện tại, tại hệ thống của Saigon Coop có gần 200 mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Ninh, Đắk Nông, Phú Quốc… Saigon Coop cũng thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối cung cầu nhằm đa dạng hoá sản phẩm cho hệ thống.
“Việc đẩy mạnh liên kết với các nhà cung cấp giúp các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp mở rộng đầu ra, đồng thời cũng giúp kênh phân phối đa dạng hoá đầu vào, góp phần tiêu thụ sản phẩm. Do đó, chúng tôi luôn chủ động được nguồn hàng trong siêu thị, kể cả giai đoạn khó khăn như cơn bão số 3 vừa qua thì doanh nghiệp vẫn chủ động được nguồn hàng” – bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.
Ông Lê Mạnh Phong cho rằng - đại diện Tập đoàn Central Retail chia sẻ thên, Tập đoàn Central Retail đã đề ra các kế hoạch từng năm để đạt được định hướng này, ví dụ như tổ chức lễ hội trái cây, tuần lễ nông sản… để thúc đẩy bán hàng. Tập đoàn không chỉ làm việc với nhà sản xuất để có được nguồn hàng chất lượng mà còn ưu tiên các vị trí trưng bày đẹp và ưu tiên các hoạt động marketing, xúc tiến thương mại để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Retail cũng phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Hiện nay, kênh này có sự gia tăng nhu cầu hàng hoá rất lớn.
Ngoài ra, tiếp tục tìm kiếm các nhà sản xuất tại địa phương để gia tăng số lượng mặt hàng nông sản mới bán trong hệ thống, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng nhà sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về phía các doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), chủ đầu tư sàn thương mại điện tử buudien.vn thông tin, Bưu điện Việt Nam đang hướng tới mô hình phối hợp cùng các chủ thể OCOP số hoá vùng trồng, đưa quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng theo dõi toàn trình. Đồng thời, nghiên cứu để mỗi địa phương sẽ có 1 điểm bán hàng OCOP, là nơi trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hoặc triển khai Chương trình Chuyến xe OCOP nhằm hợp tác, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, tổ cức các buổi đào tạo với sự chung tay của 63 bưu điện tỉnh, tập trung vào cách truyền thông, cách xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, ví dụ như sản phẩm cần giấy tờ gì? Cần tiêu chuẩn ra sao?
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền tại các điểm bưu điện để các hộ nông nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm trực tiếp, gia tăng hiệu quả tiêu thụ.