Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 26/11/2024 09:02
Tin nóng:
Giá ngô và lúa mì có thể nhận được lực mua trong ngày hôm nay Đà tăng của giá đậu tương có thể sẽ bị hạn chế ở vùng 1265 Giá ngô giảm tuần thứ 5 liên tiếp, đâu là nguyên nhân? |
Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ dài, giá ngô hợp đồng tháng 3 rung lắc mạnh trong bối cảnh dư âm từ báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 1 tiếp tục tác động đến thị trường nông sản. Giá ngô nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng giảm trong dài hạn, khi mà nguồn cung từ Mỹ dồi dào hơn so với dự kiến và tình hình mùa vụ ở Brazil ghi nhận những chuyển biến khả quan hơn.
Sự thay đổi đáng chú ý nhất về ngô trong báo cáo WASDE tháng 1 đến từ nguồn cung của Mỹ. Cụ thể, năng suất ngô niên vụ 23/24 của Mỹ được USDA điều chỉnh lên mức 177,3 giạ/mẫu, tăng 2,4 giạ/mẫu so với báo cáo tháng trước và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Điều này dẫn đến sản lượng ngô niên vụ hiện tại của Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử là 15,342 tỷ giạ, đồng thời giúp tồn kho cuối niên vụ dự kiến đạt 2,162 tỷ giạ, cao hơn mức 2,105 tỷ giạ dự đoán trung bình của giới phân tích. Do đó, giá ngô CBOT đã ngay lập tức lao dốc sau khi báo cáo WASDE được công bố và quay trở về vùng giá trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Áp lực từ việc sản lượng và tồn kho ngô niên vụ 23/24 của Mỹ cao hơn dự kiến sẽ duy trì đối với giá mặt hàng này trong hôm nay.
Đối với Brazil, hoạt động thu hoạch đậu tương đã bắt đầu sau khi thời tiết khô hạn đẩy nhanh quá trình phát triển của cây trồng. Mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng đậu tương của Brazil, nhưng triển vọng đối với ngô vụ 2 của nước này dần trở nên khả quan hơn do ngô được trồng trong khung thời gian lý tưởng và lượng mưa thời gian gần đây đã giúp bổ sung độ ẩm đất. Điều này xóa đi lo ngại từ đầu vụ của thị trường rằng ngô vụ 2 năm nay của Brazil có thể phải trồng muộn hơn khung lý tưởng do sự trì hoãn của vụ đậu tương. Trên thực tế, việc trồng ngô vụ 2 sớm ở Brazil đã bắt đầu từ cuối tháng 12, và Hanghoa247 sẽ cập nhật dữ liệu về tiến độ gieo sạ trong thời gian tới.
Mặc dù triển vọng ngô vụ 2 ở Brazil vẫn cần theo dõi thêm, tuy nhiên việc nguồn cung ngô của Mỹ mở rộng hơn so với dự kiến sẽ là yếu tố “bearish” mạnh trong dài hạn đối với giá mặt hàng này. Trong phiên hôm nay, giá ngô có thể test lại vùng 440.
Tương tự như ngô, lúa mì cũng giao dịch trở lại với diễn biến khá giằng co trong đầu phiên hôm nay. Với việc một loạt các báo cáo quan trọng đã được công bố vào cuối tuần trước, thị trường đã dần xác định được xu hướng giá lúa mì trong dài hạn.
Trong báo cáo Winter Wheat Seedings, USDA cho biết nông dân Mỹ đã trồng 34,43 triệu mẫu lúa mì đông cho niên vụ 24/25, giảm mạnh so với mức 36,7 triệu mẫu của niên vụ trước và cũng nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Đây không phải yếu tố quá bất ngờ, khi giá lúa mì Mỹ liên tục suy yếu do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế đã làm giảm mong muốn trồng lúa mì của nông dân. Trong khi đó, dữ liệu từ báo cáo Grain Stocks cho thấy tồn kho lúa mì tại Mỹ tính tới 1/12/2023 đạt 1,41 tỷ giạ, đều cao hơn so với các mức 1,39 tỷ giạ dự đoán trung bình của giới phân tích và 1,31 tỷ giạ cùng kỳ năm trước. Con số này phần nào phản ánh được kết quả xuất khẩu tiêu cực của Mỹ trong nửa đầu niên vụ 23/24, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là nguồn cung từ Nga. Nhìn chung, dữ liệu từ các báo cáo nói trên đều mang tính “bearish” đối với giá lúa mì và dự kiến sẽ khiến giá duy trì đà giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, dữ liệu từ báo cáo quan trọng nhất là WASDE gần như không có tác động đáng kể nào lên giá lúa mì. Sự thay đổi duy nhất đối với nguồn cung từ Mỹ là việc số tồn kho cuối niên vụ 23/24 bị hạ xuống còn 648 triệu giạ từ mức 659 triệu giạ trước đó, chủ yếu do ước tính tồn kho đầu niên vụ bị cắt giảm đi 12 triệu giạ. Đối với nguồn cung thế giới, sự thay đối đáng chú ý nhất là của nguồn cung từ Biển Đen. Nhờ triển vọng mùa vụ khả quan, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 23/24 của Nga và Ukraine thêm lần lượt 1 và 1,5 triệu tấn, lên các mức 51 và 14 triệu tấn. Đây sẽ là yếu tố “bearish” đối với giá lúa mì CBOT trong dài hạn, khi đây là 2 đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ ở thị trường quốc tế.
Bất chấp các yếu tố cơ bản hầu như mang tính “bearish”, giá lúa mì sẽ khó có thể giảm mạnh trong phiên hôm nay do lực mua kỹ thuật của thị trường.
Nếu như giá lúa mì suy yếu về vùng 585 trong phiên hôm nay, nhà đầu tư có thể mở vị thế Long ngắn với kỳ vọng TP ở vùng 610 và SL nếu như giá giảm dưới vùng 575.
Lực mua kỹ thuật ở vùng giá 1220 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương hồi phục nhẹ trong phiên hôm nay. Nếu khối lượng giao hàng xuất khẩu tại Mỹ trong báo cáo tối nay hồi phục lên mức 1 triệu tấn, đây sẽ là động lực thúc đẩy đậu tương tăng lên vùng giá 1235.
Trong phiên hôm nay, giá dầu đậu có khả năng sẽ tiếp tục giằng co trên vùng 48. Đối với khô đậu, đà hồi phục của đậu tương có khả năng là yếu tố hỗ trợ cho mặt hàng này duy trì sắc xanh trong phiên hôm nay.