Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 21:00
Tin nóng:
Nhiều lợi ích khi chuyển đổi số ngành thuế, hải quan Điểm sáng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Thái Nguyên: Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 |
Hiệu quả bước đầu
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản nói riêng để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh... là những nội dung được thảo luận trong hội thảo Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức ngày 8/12.
Công ty cổ phần CP Việt Nam ứng dụng chuyển đổi số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. |
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thoa – Giám đốc sản xuất các nhà máy thực phẩm miền Bắc của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, Công ty đang thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, đồng bộ ở tất cả nhiệm vụ trong toàn hệ thống.
Về sản xuất, công ty áp dụng hệ thống nhập dữ liệu trên các phần mềm để thuận tiện cho quá trình kiểm soát thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR, mã vạch, phần mềm chuyên biệt nội bộ.
Về kinh doanh, Công ty áp dụng phần mềm SAP và hóa đơn điện tử trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, áp dụng 100% ngay khi xuất hàng ra khỏi nhà máy cho tất cả đối tác, khách hàng...
Còn theo bà Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MD Queens (quận Nam Từ Liêm), sản phẩm trà xạ đen của Công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2018 trong quy trình sản xuất, chế biến và được công nhận đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất trà xạ đen giúp khách hàng yên tâm sử dụng vì có thể truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Sở NN&PTNT đã triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở là hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm thủy sản; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh (tracnghiemattp.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn).
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện, trên địa bàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tích hợp hệ thống giám sát chất lượng
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể nên bước đầu triển khai còn lúng túng. Chuyển đổi số trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản chưa nhiều… do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; nguồn nhân lực, vốn đầu tư còn hạn chế...
Về chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Phụ trách Văn phòng chuyển đổi số - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hiện nay, khoảng 95% sản phẩm bày bán ngoài siêu thị được gắn mã QR, được quảng bá là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin đơn vị sản xuất, địa chỉ... Truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. |
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp điều kiện của Hà Nội. Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho nông dân, hướng dẫn nông dân sử dụng dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định: Để quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tích hợp hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm (sử dụng công nghệ blockchain, ứng dụng AI); sử dụng ứng dụng di động trong quản lý (tích hợp cảm biến IoT); nhấn mạnh vai trò của người dân. Khi nông dân không tiếp cận được thì rất khó để có thể chuyển đổi số nông nghiệp thành công…