Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:32
Tin nóng:
Vốn ngoại tiếp tục “đổ” vào các khu công nghiệp Đông Nam Bộ Đông Nam Bộ dẫn đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ theo chiều sâu |
Thu hút đầu tư tăng mạnh
Ngay từ đầu năm 2024, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp các tỉnh Đông Nam Bộ ghi nhận có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Cụ thể, Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, trong tháng 2 đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 177 triệu USD, hoàn thành 32,13% kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư FDI đạt hơn 174 triệu USD với 2 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký 4,84 triệu USD; 3 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 171,35 triệu USD.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, thời gian qua, Hepza đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; tiếp nhận trực tuyến (trên hệ thống ecosys của Bộ Công Thương), cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O ưu đãi mẫu D… nhằm cải thiện xếp hạng chỉ số Par – index (chỉ số cải cách hành chính), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh...
Cùng với việc thu hút đầu tư, Hepza tiếp tục thực hiện đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045"; dự án "Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại khu công nghiệp Hiệp Phước.
Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào các tỉnh Đông Nam bộ. Ảnh: B.D |
Tương tự, tại Bình Dương lũy kế 2 tháng năm 2024, các khu công nghiệp Bình Dương đã thu hút được hơn 165 triệu USD. Trong đó, 12 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 93 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 72,6 triệu USD (đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023).
Tại Đồng Nai, mới chỉ 2 tháng đầu năm nhưng thu hút đầu tư FDI trực tiếp vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt khoảng 62,74% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) thông tin, trong 2 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút 439 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 62,74% kế hoạch năm 2024 (700 triệu USD) và gần 1.940 tỷ đồng vốn trong nước, đạt gần 97% kế hoạch năm 2024 (2.000 tỷ đồng).
Các dự án thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành dịch vụ kho bãi, cơ khí, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn,… Theo dự báo của ông Phương, nhiều khả năng chỉ hết tháng 3, Diza sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư năm 2024.
Theo Diza, năm 2024, các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ,... đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Tạo sức thu hút mới
Hiện nay, lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam chủ yếu đến từ chính sách ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, nền chính trị ổn định,… Song việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay phần nào làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Để giữ vững lợi thế thu hút đầu tư, nhiều địa phương đang có nhiều giải pháp để tạo sức hút đầu tư mới.
Điển hình như tại, TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã có rất nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư như ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế; xây dựng đề án chuyển đổi các khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn... với mục tiêu chuẩn bị sẵn "tổ" cho "đại bàng".
Thành phố cũng đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, để đạt mục tiêu đề ra, TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra các giải pháp đi kèm như đầu tư hạ tầng và xây dựng thêm các khu công nghiệp mới. Đi kèm với đó là việc hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư hướng vào các tập đoàn đa quốc gia; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư...
Với tỉnh Bình Dương, theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển các khu công nghiệp để thích ứng với bối cảnh mới. Theo đó, việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chuyên sâu hơn. Ủy ban nhân dân tỉnh đang triển khai thủ tục khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và tiếp tục rà soát quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các khu công nghiệp khác. Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là VSIP 3 để các nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án sản xuất tại đây trong thời gian tới.
Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi ch các nhà đầu tư. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, để tăng cường thu hút đầu tư, địa phương kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khung khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ và những nội dung đã đăng ký. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.