Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 21:09
Tin nóng:
Doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam Cơ hội lớn đưa gạo, tôm, bánh pía của Sóc Trăng sang Trung Quốc |
Với kinh nghiệm 16 năm xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, bà Dương Thị Thủy - Giám đốc kinh doanh xuất khẩu Công ty CP thực phẩm Hữu Nghị cho hay: Sản phẩm bánh trứng nướng TIPO của doanh nghiệp được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc. Sản phẩm hiện tiêu thụ trên nhiều kênh từ siêu thị, cửa hàng bán lẻ, thương mại điện tử. “Chúng tôi đang mở rộng công nghệ sản xuất đối với mặt hàng này, đồng thời gia tăng khẩu vị mặn cho sản phẩm - khẩu vị “hot tren” cho các bạn trẻ để có thể đáp ứng tất cả thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc”, bà Thủy nói.
Đại diện Hữu Nghị cũng cho hay, thị trường Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, chiếm gần 30% doanh thu toàn công ty. Trong năm 2023 mặc dù khó khăn chung của nền kinh tế nhưng Hữu Nghị đạt tăng trưởng trên 30%, 2 tháng đầu năm tăng trưởng trên 135% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Đầu tư cho chất lượng sản phẩm và coi đây là “công cụ” tối ưu chinh phục thị trường, Hữu Nghị đã thực hành và đạt chứng nhận SA 8000 - là chứng chỉ được Mỹ công nhận. Theo bà Thủy, có được chứng chỉ này, sản phẩm của Hữu Nghị có thể tự tin thâm nhập thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và mở rộng hơn nữa cánh cửa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Được biết, năm 2024 Công ty CP thực phẩm Hữu Nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 130% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời mở rộng thêm thị phần phủ khắp các tỉnh, thành tại quốc gia này.
Hiện Hữu Nghị có khoảng 10 khách hàng là tổng đại lý tại thị trường Trung Quốc. Riêng với tỉnh Sơn Đông doanh nghiệp đang tiếp xúc với một số đối tác nhằm mở rộng liên kết tiêu thụ.
Trung Quốc vẫn được doanh nghiệp Việt Nam coi là “miếng bánh hấp dẫn” và nỗ lực tham gia sâu hơn vào thị trường này. Sau nhiều năm theo dõi thị trường này, luật sư Vũ Thị Quế - đại diện Rajah & Tann LTC Lawyers nhận định, 2 năm gần đây lượng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đến từ Trung Quốc tới Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Riêng đầu tư FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam năm 2023 vươn lên top 3.
“Đó là sự tín nhiệm đáng mừng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để đi vào thị trường lớn này, nhất là sản phẩm như nông sản, mặt hàng tiêu dùng”, bà Quế cho hay.
Ngược lại các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội đi vào thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển trong lĩnh vực mặt hàng bán lẻ, năng lượng, cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ, mặt hàng công nghệ cao.
Với tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, doanh nghiệp ở địa phương này quan tâm thị trường Việt Nam, nhất là với hạng mục sản xuất. “Gần đây nhất chúng tôi đang làm một số sự án của nhà đầu tư Sơn Đông, họ tập trung ở khu vực miền Bắc để tìm các khu đất, khu công nghiệp phù hợp để lập nhà máy và đưa hoạt động sản xuất sang Việt Nam”, bà Quế cho biết.
Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thông tin, trong thời gian qua kim ngạch thương mại giữa Việt Nam- Trung Quốc ngày một tăng, 2 bên là đối tác quan trọng của nhau.
Việt Nam là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN theo cả hai hướng đường bộ và đường biển, có lợi thế cạnh tranh nổi bật, hội tụ điều kiện trở thành điểm đến đầy lý tưởng của nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn FDI thế hệ mới, đồng thời cũng là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Có thể thấy, trong xu thế liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực hiện nay, tiềm năng, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông nói riêng, Trung Quốc nói chung còn rất lớn.
Thị trường Trung Quốc, bao gồm tất cả các tỉnh, thành được Bộ Công Thương coi trọng và xác định là thị trường tiềm năng cho phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt tỉnh Sơn Đông và Việt Nam có nhiều thuận lợi cho giao thương, nhu cầu xuất nhập khẩu của hai bên có sự bù trừ cho nhau.
“Thời gian tới sự hợp tác giữa doanh nghiệp 2 bên sẽ được thúc đẩy hơn nữa để bổ trợ cho nhau trong hoạt động sản xuất, hợp tác đầu tư kinh doanh”, ông Toản nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động này để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước kết nối giao thương với thị trường Trung Quốc.