Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 21/12/2024 14:55
Tin nóng:
Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng trưởng caoKim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng tăng 95,32 tỷ USD |
Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giữ ổn định
Đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đối với hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên Vũ Hồng Sơn cho biết, xác định năm 2024 là năm bản lề và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2021-2025, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Do vậy ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tập trung bám sát và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ, tỉnh Điện Biên, Bộ Công Thương và các cấp, các ngành có liên quan trong triển khai nhiệm vụ.
Theo đó, tổng kim ngạch tăng 8,21% so với thực hiện năm trước, tăng 7,66% so với kế hoạch năm, trong đó, giá trị xuất khẩu năm 2024 ước đạt 93,35 triệu USD, giảm 7,54% so với thực hiện năm trước, tăng 6,08% so với kế hoạch năm, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Vật liệu xây dựng các loại (xi măng Điện Biên, gạch men lát nền, sắt, thép hàng trong nước sản xuất); hàng nông sản; hàng bách hóa tổng hợp và các hàng hóa khác (mủ cao su Điện Biên các loại, tinh bột sắn, cà phê, mắc ca, hoa quả tươi các loại…).
Giá trị nhập khẩu năm 2024 ước đạt 46,61 triệu USD, tăng 64,24% so với thực hiện năm trước, đạt vượt 10,98% kế hoạch năm, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ thủy điện và phục vụ sản xuất, hàng nông lâm thuỷ sản các loại...
Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên nhấn mạnh, tình hình xuất nhập khẩu năm 2024 tương đối ổn định. Từ cuối tháng 5 đến tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giảm nhẹ do bước vào mùa mưa lũ kéo dài, tuyến đường qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng sạt lở, gây tắc nghẽn, cản trở các phương tiện qua lại. Tuy nhiên, sang đến các tháng cuối năm, thị trường đã ổn định hơn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và trao đổi cư dân biên giới dần tăng trở lại, dự báo sẽ đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Giá cả thị trường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh giữ ổn định.
Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên) là căn cứ cột mốc quốc lộ 279 trên biên giới Việt Lào, đóng vai trò quan trọng tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giao thương giữa hai nước. Ảnh: ALS |
Cũng theo ông Sơn, trong năm 2024, hoạt động quản lý xuất nhập khẩu, mậu dịch biên giới cũng đã được Sở Công Thương triển khai với nhiều giải pháp. Theo đó, từ đầu năm, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại biên giới đã được triển khai tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở cũng tích cực thực hiện tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp về các chính sách miễn giảm thuế quan trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào và Biên bản hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Điện Biên với Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2021-2023; Đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện “Biên bản Hội nghị thường niên lần thứ 3 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc)” và “Biên bản Phiên họp lần thứ 9 Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)”...
Nâng tổng kim ngạch lên 140 triệu USD
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song theo ông Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh đáp ứng nhu cầu quốc tế. Nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát theo định hướng của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Điện Biên, trong năm 2025, Sở quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2024.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh phấn đấu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2025 đạt 140 triệu USD. Trong đó: Xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và thương mại biên giới năm 2025 đạt 95 triệu USD, tăng 1,77% so với năm 2024. Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ và thương mại biên giới năm 2025 đạt 45 triệu USD, đạt 95,55% so với năm 2024.
Để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, trong năm 2025, Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, Sở tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu thường trực cho Ban Chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới; thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phát triển dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, trong năm 2025, Sở Công Thương Điện Biên sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh: Đ.N |
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế. Tăng cường tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân, Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên gặp gỡ, trao đổi, đầu tư liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, thương nhân, Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường tỉnh Điện Biên. Hướng dẫn, hỗ trợ mở các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân tại các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Sở cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới của tỉnh.
Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu chế độ chính sách và tình hình thực tiễn tại địa phương; kiến nghị, đề xuất các chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch xuất nhập khẩu năm 2025 của tỉnh.
Tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác phát triển thương mại biên giới với Sở Công Thương các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Phối hợp với các tỉnh tiếp giáp biên giới phía Lào và Trung Quốc từng bước triển khai thực hiện xây dựng các cặp chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ phiên biên giới theo quy hoạch. Đánh giá tình hình thực hiện các Biên bản hợp tác giữa Sở Công Thương với 6 tỉnh Bắc Lào giai đoạn 2023-2025 và Biên bản ghi nhớ giữa 4 tỉnh phía Bắc với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Kết nối với các tỉnh trong khu vực và trong nước để khai thác nguồn hàng xuất khẩu, phát huy lợi thế của tỉnh có cửa khẩu biên giới; đặc biệt quan tâm xuất khẩu tại chỗ thông qua đón khách du lịch quốc tế…. Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra nước ngoài.