Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 05/12/2024 09:08
Tin nóng:
Xâm hại quyền sở hữu trí tuệ- giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
Chia sẻ tại một sự kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho rằng: Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet.
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tăng dần cả về quy mô, số vụ việc |
Là một doanh nghiệp trực tiếp bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, ông Lưu Minh Hải - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, đơn vị sở hữu sản phẩm Nano Curcumin mang nhãn hiệu Oic New - cho biết: “Doanh nghiệp đã từng đối mặt với việc bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ nhiều lần. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp”.
Cụ thể hơn, ông Lưu Minh Hải cho rằng, cùng một loại sản phẩm nhưng sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp sản xuất được bán ra với giá 5 triệu đồng, còn sản phẩm của đơn vị làm nhái, làm giả chỉ bán với giá 3 triệu đồng. Chỉ cần so sánh như vậy thôi thì sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp cũng khó để cạnh tranh được với hàng giả, hàng nhái.
Trước những bất cập trên, những năm qua Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu thông qua đăng ký sở hữu trí tuệ. Hiện doanh nghiệp có hơn 100 sáng chế đã được đăng ký bản quyền.
“Là doanh nghiệp tien phong đi đầu về công nghệ nano, ý thức được bảo hộ trí tuệ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, vì thế song song với việc nghiên cứu và sản xuất, doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký sáng chế từ những ngày đầu tiên sau khi công nghệ nano hoàn thiện quy trình” – ông Lưu Minh Hải nêu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại diện một doanh nghiệp cũng bức xúc với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng trắng trợn. Doanh nghiệp này cho biết, đã từng bị người tiêu dùng gọi điện thoại đến doanh nghiệp để “bắt đền” và tuyên bố không tiếp tục sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp do mua phải hàng giả.
“Nhiều doanh nghiệp đã bị làm nhái sản phẩm khi vừa mới ra mắt thị trường, công nghệ làm nhái tinh vi đến nỗi nhìn bằng mắt thường cũng không thể phân biệt được, nên người tiêu dùng rất khó để phân biệt” – đại diện doanh nghiệp thông tin.
Theo các chuyên gia, việc hàng hoá bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ làm giảm uy tín của các thương hiệu, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng lại với sản phẩm. Bên cạnh đó, với lợi thế về giá nên hàng giả và hàng nhái khiến những hàng hóa chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính.
AI đã khiến doanh nghiệp đứng trước những cơ hội, song đồng thời cũng làm cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dễ bị xâm hại. Ảnh: ST |
Doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ
Theo ông Lương Minh Huân, với việc đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)… cùng với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế nhưng cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và thách thức trong vấn đề bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ.
Cùng quan điểm trên, theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Chủ tịch Hội Sở Hữu trí tuệ Việt Nam, trong thời đại phát triển như vũ bão của các công nghệ tiên tiến, điển hình là AI, đã khiến doanh nghiệp đứng trước những cơ hội, song đồng thời cũng làm cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dễ bị xâm hại hơn.
Trong bối cảnh đó, ông Chia Eu Jin Walter - Trưởng Đại diện khu vực châu Á – Thái Bình của Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế có trụ sở chính tại Hoa Kỳ cho rằng: Các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu thông qua đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Nói về lý do tại sao cần đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, ông Chia Eu Jin Walter cho rằng: Việc đăng ký bản quyền sẽ giúp doanh nghiệp trong việc thiết lập kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với đối thủ và tránh được đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng thị trường riêng và thu hút được khách hàng. Cùng với đó, đảm bảo doanh nghiệp tăng được lợi ích và lãi từ việc sử dụng bằng sáng chế một cách hiệu quả, tăng doanh số, doanh thu bán hàng và mở ra cơ hội giao thương cho doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng.