Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 22:29
Tin nóng:
Giá cà phê Robusta đang trở lại đỉnh cao? Tiếp tục tăng, giá Robusta thế giới hướng về mức lịch sử Giá xuất khẩu tăng 50% sau 5 tháng: Cà phê Việt trở lại ''đường đua'' |
Xuất khẩu cà phê có tín hiệu khả quan
Theo thống kê mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê đạt 2,9 tỷ USD tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước, dù lượng giảm 3,9%.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.482 USD/tấn, tăng đến 49,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính chung cả niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023), Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê các loại. Con số thống kê trên cho thấy lượng tồn kho còn lại rất ít và giá tiếp tục duy trì mức cao.
Xuất khẩu cà phê đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong gần nửa đầu năm nay. Ảnh: simexcodl |
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), xuất khẩu cà phê trong tháng 5 đạt gần 94.000 tấn, giảm đến 37,3% nhưng kim ngạch đạt gần 410 triệu USD, tăng 6,5% nhờ giá tăng. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt tới 4.368 USD/tấn tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, riêng giá cà phê nhân đạt 3.929 USD/tấn, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo về tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 này, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng. Hiện tại, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam không còn nhiều, một số chuyên gia ước tính chỉ khoảng gần 300.000 tấn và còn đến khoảng 4 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch niên vụ 2024 - 2025. Điều này cho thấy nguồn cung cà phê của Việt Nam ra thị trường vẫn rất hạn chế.
Giá cà phê Robusta sắp tái lập mức kỷ lục mới
Kết phiên giao dịch ngày 6/6, giá cà phê Robusta trên thế giới tiếp tục tăng mạnh và gần chạm mức cao kỷ lục vào tháng 4 vừa qua, kéo giá cà phê trong nước tăng theo. Trong khi đó, mặt hàng Arabica quay đầu giảm nhẹ.
Cụ thể, cà phê Arabica trên sàn New York quay đầu giảm, kỳ hạn tháng 7 giảm 42,9 USD xuống 5.117 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 giảm 37,4 USD xuống 5.097 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 giảm 35,2 USD xuống 5.055 USD/tấn.
Ngược lại, cà phê Robusta trên sàn London, kỳ hạn tháng 7 tăng thêm 139 USD lên 4.471 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 tăng 133 USD lên 4.322 USD/tấn, kỳ hạn tháng 11 tăng 119 USD lên 4.152 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên cũng tăng thêm 1.500 đồng/kg, tại Đắk Nông là 126.500 đồng/kg, Đắk Lắk 126.000 đồng/kg, Gia Lai 126.000 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 125.000 đồng/kg.
Như vậy, cà phê nội địa đang hướng về mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào đầu quý hai năm nay. Các chuyên gia nhận định, nếu tín hiệu nguồn cung tại Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới.
Theo các chuyên gia thì yếu tố thời tiết cực đoan El Nino ảnh hưởng trên toàn cầu là “thủ phạm” chính gây ra sự biến động về giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới. Hiện không chỉ cà phê, hồ tiêu tăng giá mạnh, trong thời điểm những tháng đầu năm 2024 thì ca cao, hạt điều, gạo… cũng đều tăng giá.
Giá cà phê Robusta vẫn tăng mạnh vì trong báo cáo mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt. Một số tổ chức uy tín trên thế giới cũng nhận định sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ tới nhiều khả năng tiếp tục suy giảm mạnh. Hãng nghiên cứu thị trường StoneX (Mỹ) vừa dự báo, sản lượng cà phê năm nay của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao (60 kg/bao) - mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây dưới tác động của El Nino và suy giảm diện tích canh tác cà phê. Với vị thế là nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới, điều này sẽ gây tác động lớn đến cán cân cung - cầu cà phê toàn cầu, đặc biệt là cà phê Robusta.
Giá cà phê Robusta trên thế giới tiếp tục tăng mạnh và gần chạm mức cao kỷ lục. Ảnh: simexcodl |
Xét về mặt kỹ thuật, giá cà phê Robusta đã tiếp tục duy trì xu hướng tăng như hiện nay với dòng tiền dồi dào thì thị trường đã kiểm định lại và vượt qua vùng giá lịch sử 4.338 USD/tấn. Bên cạnh yếu tố nguồn cung thắt chặt, việc đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng đang khiến thị trường hàng hoá, bao gồm cà phê, trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư toàn cầu.
Có thể thấy, mức giá hiện nay vẫn còn rất cao, do những biến động bất ngờ của thị trường, doanh nghiệp cũng chỉ mua từ từ chứ không dám nhập ồ ạt. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, giá cà phê tăng cao liên tục thời gian qua bên cạnh thiếu hụt nguồn cung còn có yếu tố đầu cơ, đẩy giá của các nhà đầu tư tài chính trên sàn.
Tình trạng chênh lệch giá tăng cao dần nghiêng về phía Robusta đã phản ánh sự gia tăng sử dụng cà phê Robusta trên các thị trường tiêu dùng cà phê, đã xuất hiện và duy trì trong vài năm qua được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự gián đoạn liên quan đến đại dịch trong vận chuyển và cung cấp cà phê vào năm 2020, sương giá ở Brazil vào năm 2021 và mức giá cà phê Arabica chế biến tăng cao trong thời gian này.
Cũng theo các chuyên gia, năm nay nhu cầu trồng cà phê của nông dân tăng cao sau khi giá cà phê tăng. Dẫu vậy, không vì cà phê tăng giá mà bất chấp mở rộng diện tích. Đặc biệt, người trồng cần lưu ý đến đạo luật cấm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với 7 nhóm hàng hóa (trong đó có cà phê), xuất xứ từ phá rừng sẽ có hiệu lực cuối năm 2024. Cụ thể, nội dung đạo luật nêu, các sản phẩm nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, người dân cần tuân thủ, không được trồng, canh tác trên phần đất có nguồn gốc đất rừng, tránh phạm phải điều cấm của đạo luật này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng giá cà phê có thể chịu áp lực điều chỉnh do dự báo thặng dư nhẹ trong niên vụ tới. Điều này cho thấy sự phức tạp của thị trường cà phê, nơi mà các yếu tố kinh tế vĩ mô, kỹ thuật và thậm chí thời tiết đều có thể ảnh hưởng đến giá cả. Đối với những người tham gia thị trường, việc theo dõi sát sao các báo cáo và dự báo có thể giúp họ đưa ra quyết định đầu tư thông minh hơn.