Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 19:12
Tin nóng:
Tiểu thương dần thích nghi với thời đại “số hóa”
Khoảng 1 năm trở lại đây, anh Phùng Đức Tiến - tiểu thương bán quần áo tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) không còn phải đến trực tiếp những khu chợ đầu mối lớn để lấy hàng, bây giờ, chỉ với vài thao tác trên điện thoại, hàng sẽ được vận chuyển đến tận cửa hàng của anh.
“Thay vì đến chợ lúc 3-4 giờ sáng, tôi chỉ cần mở điện thoại, vào các nền tảng thương mại điện tử để đặt hàng. Mọi giao dịch từ chọn hàng, thương lượng giá cả, đặt mua và vận chuyển đều diễn ra trên môi trường số”, anh Tiến cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương bán phụ kiện thời trang tại chợ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai - Hà Nội) cũng không còn phải chạy xe hơn cả trăm cây số lên các cửa khẩu để lấy hàng, với chị, chợ đầu mối bây giờ là nền tảng thương mại điện tử Shopee.
“Trước đây, tôi phải lên các cửa khẩu để lấy hàng rất vất vả, nhiều khi cũng không được trực tiếp chọn các mẫu hàng. Nay, tôi chỉ cần lên nền tảng thương mại điện tử, tha hồ chọn mẫu mã, giá đôi khi sẽ mềm hơn nếu có mã khuyến mại, lại không mất thời gian đi lại lấy hàng”, chị Hoa chia sẻ.
![]() |
Các nhóm chợ đầu mối online trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. |
Chợ đầu mối online không phải là một khái niệm quá mới trên thế giới. Tại Trung Quốc, nền tảng Alibaba đã biến thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chính cho hàng triệu nhà sản xuất và tiểu thương. Ở Ấn Độ, IndiaMART cũng vận hành mô hình tương tự, giúp kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhà cung cấp lớn.
Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki,.... Những nền tảng này cho phép người mua đặt hàng với số lượng lớn, thương lượng giá trực tiếp với nhà cung cấp và theo dõi tiến trình giao hàng.
Bên cạnh các nền tảng chuyên về thương mại điện tử, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,... các nhóm chợ sỉ cũng bắt đầu được thành lập, hòa cùng thời đại của “chợ đầu mối online”.
Với những nhà cung cấp nguồn sỉ, việc tham gia chợ đầu mối online là bước đi tất yếu. Sở hữu 1 trang trại dâu tây ở Đà Lạt, anh Trần Chiến cho rằng, nếu không bắt kịp xu hướng số hóa, doanh nghiệp bị “bỏ lại” là điều khó tránh.
“Bây giờ các tiểu thương cũng tìm nguồn hàng tại các nhóm nguồn sỉ lớn trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các nền tảng thương mại điện tử. Nếu những nguồn cung như chúng tôi không hòa nhập thời đại thì việc bị bỏ lại cũng sẽ rất dễ xảy ra”, anh Trần Chiến chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Thời điểm đầu, anh Chiến cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm của mình lên các nhóm chợ sỉ trên Facebook và các nền tảng thương mại điện tử. Đến nay, anh đã thành thạo với việc quay video, chụp hình mẫu sản phẩm rồi gửi cho khách hàng lựa chọn, tạo đơn hàng để giao hàng qua các app và nhận tiền bằng chuyển khoản.
![]() |
Ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại sản phẩm là yêu cầu bắt buộc của thời đại. Ảnh: Phương Nga |
“Bên cạnh việc cung cấp cho các tiểu thương, khi đăng tải sản phẩm của mình lên chợ mạng, tôi cũng có thể bán hàng trực tiếp cho nhiều khách hàng trên cả nước. Hàng hóa lên sàn có mô tả rõ ràng, khách đặt hàng là tôi đóng gói và gửi đi”, anh Chiến nói.
Nhìn chung, chợ đầu mối online mang lại nhiều lợi ích: giúp người bán tiếp cận nhiều khách hàng hơn, giúp người mua tìm được nguồn hàng chất lượng với giá hợp lý. Quan trọng hơn, mô hình này đang thay đổi cách thức giao thương, giúp việc buôn bán trở nên linh hoạt và hiện đại hơn.
Giải pháp nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa
Chợ đầu mối trực tuyến đang trở thành một xu hướng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, mô hình này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho các chợ đầu mối truyền thống mà còn tạo cơ hội kết nối giao thương với thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chợ đầu mối trực tuyến đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối hàng hóa. Mô hình này cho phép nhà cung cấp và người mua kết nối trực tiếp, giảm bớt sự phụ thuộc vào các trung gian, từ đó tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả giao dịch.
“So với chợ đầu mối truyền thống, nền tảng trực tuyến giúp mở rộng quy mô kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh chóng hơn và giảm thiểu tình trạng quá tải tại các trung tâm phân phối. Nếu chợ đầu mối trực tuyến vận hành hiệu quả, không chỉ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa mà còn tạo điều kiện phát triển các ngành phụ trợ như logistics, vận tải, tài chính và dịch vụ thẩm định chất lượng", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.
Chợ đầu mối online không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn có tiềm năng mở rộng ra toàn cầu nhờ vào nền tảng internet và các giải pháp thương mại điện tử hiện đại. Tuy nhiên, Chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng mức độ hiệu quả của mô hình này phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ, tầm nhìn của đơn vị tổ chức cũng như khả năng tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình giao dịch.
![]() |
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
“Để chợ đầu mối trực tuyến phát triển bền vững và phát huy tối đa lợi ích, cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng. Trước hết, an toàn và chủ động trong công nghệ là yếu tố then chốt. Một hệ thống bảo mật vững chắc sẽ giúp bảo vệ dữ liệu giao dịch, ngăn chặn rủi ro từ hacker, đồng thời tạo niềm tin cho doanh nghiệp và các đối tác tham gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, bao gồm các hoạt động thẩm định chất lượng, vận chuyển, thanh toán, cũng như các chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình giao thương”, ông Nguyễn Minh Phong hiến kế để chợ đầu mối online Việt Nam phát triển.
Cuối cùng, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và chính sách quản lý phù hợp trong việc duy trì và phát triển mô hình này. Các cơ quan chức năng như hải quan, thuế cần có những cơ chế linh hoạt để hỗ trợ thương mại điện tử, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định quản lý của nhà nước.
Có thể thấy, sự chuyển đổi từ chợ đầu mối truyền thống sang chợ đầu mối online là xu hướng tất yếu trong thời đại số hóa. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho người kinh doanh mà còn góp phần nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Chợ đầu mối online không phải là một khái niệm quá mới trên thế giới. Tại Trung Quốc, nền tảng Alibaba đã biến thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chính cho hàng triệu nhà sản xuất và tiểu thương. Ở Ấn Độ, IndiaMART cũng vận hành mô hình tương tự, giúp kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhà cung cấp lớn. |