Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 20:32
Tin nóng:
Nhiều chuyên gia kinh tế quan điểm việc lập sàn giao dịch vàng có thể giúp ổn định thị trường kim loại quý và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phải có giải pháp căn cơ hơn để thị trường vàng trong nước phát triển ổn định, lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vấn đề của vàng
Thị trường vàng trong nước thời gian qua chứng kiến sự biến động liên tục. Đã có thời điểm giá vàng SJC đạt mức kỷ lục gần 80,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với đầu năm 2023, giá vàng miếng SJC đã tăng trên 12 triệu đồng/lượng. Theo giới phân tích, giá vàng trong nước tăng mạnh bởi nhu cầu mua và tích trữ vàng tăng cao trong thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác như giảm lãi suất tiền gửi, biến động lớn trên thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất đóng băng… cũng góp phần vào việc chuyển dòng tiền đầu tư sang vàng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là giá vàng trong nước tại một số thời điểm lại cao hơn thế giới đến gần 20 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, trong nước, giá vàng SJC cao hơn khoảng 12 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác. Chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra cũng rất lớn, có ngày lên tới 5 triệu đồng/lượng. Những biến động bất thường này đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý để sớm ổn định thị trường vàng.
Trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương ngày 31/1, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định việc quản lý và kinh doanh vàng hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề, dẫn đến việc thị trường “lên bổng xuống trầm” như thời gian qua. Cụ thể, thị trường vàng SJC đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung trong khi nhu cầu lớn, dẫn đến giá vàng tăng đột ngột, gây áp lực mạnh mẽ lên thị trường. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản, tiết kiệm… giảm sâu khiến nhà đầu tư chuyển hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác, khiến vàng trở thành lựa chọn hấp dẫn. Ngoài ra, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm giải pháp căn cơ để phát triển ổn định và lành mạnh thị trường vàng Việt Nam là vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa) |
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vàng, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng cần thiết lập sớm một sở giao dịch vàng quốc gia. “Sàn” này có thể giúp nhà đầu tư tránh khỏi việc phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà thay vào đó có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký. Điều này giúp đem lại sự tiện lợi, giảm rủi ro và khiến thị trường vàng minh bạch. Ngoài ra, sở giao dịch vàng góp phần liên kết thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, làm giảm chênh lệch giá vàng. Đồng thời giúp đẩy lùi tình trạng buôn lậu vàng và giúp huy động vàng từ dân càng hiệu quả.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn và minh bạch, ông Long đề xuất cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đặc biệt là tỷ lệ ký quỹ ban đầu phải ở mức cao để tránh tình trạng đầu cơ và làm giá. Quy định về tiêu chuẩn vàng được phép giao dịch cũng cần được đặt ra, đặc biệt khi thị trường đang có nhiều loại vàng khác nhau.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần sớm thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng một cách minh bạch, hiệu quả và theo xu hướng quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội), việc giữ độc quyền vàng miếng khiến nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn, dẫn đến tình trạng tăng giá không hợp lý như vừa qua. Do đó, nên thúc đẩy sớm việc mở cửa thị trường vàng, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, không nên duy trì một sản phẩm.
“Chúng ta phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh, không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra nguồn cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho người mua”, chuyên gia Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Thọ Đạt, số liệu ước tình cho thấy lượng vàng dự trữ trong dân có thể lên đến 300 tấn hoặc thậm chí là 400 - 500 tấn. Con số lớn này có thể được huy động thành nguồn lực tài chính quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để huy động nguồn lực này và xây dựng thị trường vàng bền vững trong tương lai, cần phải xây dựng các điều kiện và tiêu chí cụ thể. Ông Đạt cho rằng rằng cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia và đề xuất sở giao dịch vàng, cho phép giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, với các tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ.
Chấn chỉnh thị trường vàng
Đồng quan điểm về sự cần thiết thành lập sàn giao dịch vàng song chuyên gia kinh tế PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng để đảm bảo tính minh bạch và tránh vàng hóa nền kinh tế. Theo ông Thịnh, chính sách phải hướng đến việc giảm thiểu việc sử dụng vàng trong thực tế, tăng tính hiệu quả và thúc đẩy quy trình quản lý vàng theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Mục tiêu chính là tạo ra một thị trường vàng hoạt động linh hoạt và phản ánh đúng giá trị thực tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và tâm lý xã hội", ông Thịnh nói và nhấn mạnh việc hướng thị trường vàng theo xu hướng thế giới với hoạt động kinh doanh vàng dựa trên chứng chỉ quốc tế, nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng tính minh bạch.
Xây dựng một thị trường vàng ổn định, minh bạch và phát triển theo hướng quốc tế giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội (Ảnh minh họa) |
Vẫn theo chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vàng, cần xem xét lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP vì đã ban hành từ năm 2012 và đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, phát triển thị trường vàng là một phần quan trọng của hoạt động kinh tế thị trường và cần tạo ra nhiều thị trường khác nhau, trong đó có thị trường tài chính tiền tệ, đồng thời liên kết chặt chẽ với thị trường vàng. Ông Thịnh cho rằng, mặc dù Nghị định 24 đã giảm mức độ vàng hóa nền kinh tế, nhưng để thị trường vàng phát triển mạnh mẽ hơn, cần xem xét và thay đổi chính sách, thậm chí cần một nghị định mới.
Đặc biệt, để thúc đẩy sự linh hoạt và minh bạch trên thị trường vàng, cần có sự liên kết giữa thị trường vàng nội địa và thị trường vàng thế giới. Bên cạnh đó, việc khuyến khích phát triển thị trường vàng tự do hơn và tích hợp với thị trường ngoại hối, sẽ giúp cải thiện giao dịch mua bán vàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho giao thương trên thị trường quốc tế trở nên dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Nghị định số 24 nên được sửa đổi theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, thay vào đó, cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng, tạo sự cạnh tranh công bằng trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc chống "vàng hóa" hiện nay đã thực hiện tốt, người dân không còn đổ xổ mua vàng như trước, nên cần có quy định mới phù hợp hơn.
Chuyên gia Ngô Trí Long khuyến nghị, trong thời gian chưa thành lập được sở giao dịch vàng quốc gia, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP để giảm thiểu các biện pháp quản lý hành chính.
“Việc cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.