Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 03:10
Tin nóng:
Nguy cơ buôn lậu thuốc lá gia tăng trong những tháng cuối năm Hà Nội: Kiên quyết phối hợp đấu tranh phòng, chống tác hại của thuốc lá Buôn lậu thuốc lá: Nguy cơ kép về kinh tế và sức khỏe |
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá tăng cao khiến các vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu thuốc lá diễn ra ngày càng phức tạp và lan rộng trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh biên giới và các thành phố lớn.
Buôn lậu thuốc lá vẫn "nóng"
Một trong những vụ việc nổi bật gần đây là vào ngày 12/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến tội buôn bán, vận chuyển hàng cấm để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định.
Trước đó, ngày 2/10/2024, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực tổ 13, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thái Nguyên phát hiện 01 lô hàng (thùng giấy carton) đang tập kết chờ vận chuyển có biểu hiện nghi vấn; tiến hành kiểm tra, phát hiện bên trong các thùng giấy carton chứa 1.510 bao thuốc lá điếu ghi chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tiến hành điều tra, xác minh, Cơ quan Công an làm rõ số thuốc lá trên là của Bùi Thị Huệ (sinh năm 1977, hộ khẩu thường tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội); tiếp tục đấu tranh, mở rộng thu giữ thêm 4.040 bao thuốc lá. Trong thời gian từ ngày 31/7 - 2/10/2024, Bùi Thị Huệ đã nhiều lần mua hàng của Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội). Sau đó, Cường thuê Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tại phường Lạc Long Quân, Tây Hồ, TP. Hà Nội) để đi giao hàng, thu tiền. Quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan Công an tiếp tục phát hiện, thu giữ của Nguyễn Mạnh Cường 22.870 bao thuốc lá các loại ghi chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Hiện vụ việc vẫn đang được Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thái Nguyên tiếp tục điều tra để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên theo quy định.
Tổng số thuốc lá cơ quan điều tra đang tạm giữ trong vụ việc tại Thái Nguyên là 28.420 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất. Ảnh: QLTT |
Ngoài vụ việc trên, nhiều vụ buôn lậu thuốc lá khác trên cả nước cũng bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện. Đơn cử, ngày 15/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp) tiến hành khám phương tiện là xe mô tô hai bánh, không gắn biển số kiểm soát đang dừng đỗ tại khu vực vỉa hè tuyến Quốc lộ 30 thuộc khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp không có người trông coi, trên phương tiện có vận chuyển các khay nhựa chứa hàng hóa, nghi vấn hàng hóa cất giấu bên trong là thuốc lá điếu nhập lậu.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phát hiện bên trong các khay nhựa nêu trên có chứa 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu mang nhãn hiệu HERO, JET và SCOTT.
Hay tại Cần Thơ, ngày 28/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã khám phương tiện là xe ô tô nhãn hiệu Toyota loại Innova, biển kiểm soát: 51G-637.60 đang dừng trước nhà không số, địa chỉ Khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, phát hiện trên phương tiện 13 túi ni lông màu đen, bên trong chứa 4.510 bao thuốc lá điếu nhập lậu, gồm 1.400 bao hiệu Jet và 3.110 bao hiệu Hero.
Toàn bộ tang vật trên không có người thừa nhận và chưa xác định được chủ sở hữu. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm cũng như xác minh, thông báo tìm chủ sở hữu để xử lý theo quy định.
Rất nhiều trường hợp buôn lậu thuốc lá khi bị phát hiện sẵn sàng sẵn sàng bỏ hàng, bỏ lại phương tiện để tẩu thoát. Ảnh: QLTT |
Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 996 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá, phát hiện vi phạm và xử lý 752 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 5,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 3 vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Đối với thuốc lá thế hệ mới, kiểm tra 132 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 129 vụ với trên 5.203 sản phẩm các loại, trị giá hàng hoá vi phạm 744 triệu đồng, thu nộp ngân sách hơn 1,9 tỷ đồng.
Nói về thiệt hại về kinh tế khi thuốc lá được nhập lậu vào Việt Nam, ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho hay, dù chưa có số liệu cụ thể, song với nguồn thông tin mở, bình quân ngân sách nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng về chi phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và chi phí cho xử lý tang vật tịch thu tiêu hủy với thuốc lá thế hệ mới hằng năm cũng đến tiền tỷ.
Cần giải pháp mạnh hơn?
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá như các tỉnh biên giới với đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn lối mở tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động. Các đối tượng buôn lậu không ngừng thay đổi phương thức vận chuyển, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng. Sự chênh lệch giá giữa thuốc lá trong nước và nước ngoài rất lớn, tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho các đối tượng buôn lậu. Việc kiểm soát chặt chẽ của các nước láng giềng đối với việc xuất khẩu thuốc lá cũng là một yếu tố cần lưu tâm.
Từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá. Ảnh: QLTT |
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thuốc là thường dùng là chia nhỏ số lượng, ngụy trang, cất giấu thuốc lá lậu vào các thùng phuy, can nước hay lẫn trong các hộp xốp đựng nước đá, rồi thuê cư dân sống ở vùng biên giới đeo vác, vận chuyển băng qua biên giới bằng đường bộ hoặc dùng xuồng máy tốc độ cao di chuyển qua các kênh, rạch… Trong trường hợp bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, bỏ lại phương tiện để tẩu thoát.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu thuốc lá, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là các cửa khẩu, bến bãi, chợ đầu mối. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về buôn lậu thuốc lá, tạo sức răn đe, tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao ý thức về tác hại của thuốc lá lậu và không mua bán, sử dụng thuốc lá lậu. Cần hoàn thiện khung pháp lý về chống buôn lậu, tăng cường các biện pháp xử lý hành chính và hình sự đối với các hành vi buôn lậu thuốc lá.
Buôn lậu thuốc lá là một vấn nạn phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Việc giải quyết vấn nạn này đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và cộng đồng.