Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 04:29
Tin nóng:
Ngày 2/3, thông tin từ Bamboo Airways cho biết hãng bay này đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả khai thác thương mại nhằm giảm lỗ tối đa trong năm 2024. Trong 5 năm gần nhất, mỗi năm Bamboo Airways lỗ khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Do đó, hãng đang đặt mục tiêu đưa mức lỗ hoạt động xuống mức trên dưới 1.000 tỷ đồng, hướng tới kinh doanh hoà vốn trong năm 2025 và có lãi trong các năm tiếp theo.
Trong 5 năm gần nhất, mỗi năm Bamboo Airways lỗ khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Ảnh: Bamboo Airways |
Theo Bamboo Airways, một trong những giải pháp được hãng triển khai ngay từ 1/3 là tự phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã phê chuẩn tài liệu khai thác mặt đất của Bamboo Airways. Qua đó, hãng bay có đầy đủ căn cứ pháp lý để tự triển khai phục vụ mặt đất tại các sân bay nội địa, góp phần nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ của hãng từ mặt đất đến trên không.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng đang ráo riết chuẩn bị mọi nguồn lực để trực tiếp triển khai tự phục vụ dịch vụ mặt đất thay cho việc thuê các đối tác bên ngoài. Trước mắt, hãng bay đã có công văn chính thức gửi đến các cơ quan, đơn vị để thông báo về việc tiếp quản mảng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng trong dịch vụ mặt đất là mảng phục vụ hành khách trong nhà ga, bao gồm làm thủ tục check-in cho hành khách, hành lý, dịch vụ tại cửa khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/3/2024. Xa hơn, Bamboo Airways sẽ hướng tới triển khai dịch vụ tương tự tại Sân bay Nội Bài.
Việc tự triển khai dịch vụ mặt đất sẽ cho phép Bamboo Airways kiểm soát tốt hơn chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí hoạt động, tăng thêm tính chủ động trong khai thác, đặc biệt là ở các giai đoạn cao điểm.
“Hãng sẽ sử dụng một phần nhân lực dôi dư do giảm quy mô tàu bay là các tiếp viên hàng không được đào tạo thêm các nghiệp vụ để phục vụ hành khách tại sân bay. Đây cũng là giải pháp của Bamboo Airways nhằm đảm bảo nhận diện thương hiệu, nâng cao và đồng bộ chất lượng dịch vụ từ mặt đất đến trên không trong giai đoạn tiếp theo”, đại diện Bamboo Airways thông tin.
Bamboo Airways tự phục vụ hành khách trong nhà ga như check-in, dịch vụ tại cửa khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bamboo Airways |
Trước đó, Pacific Airlines là nhà cung cấp dịch vụ mặt đất cho Bamboo Airways từ 1/1/2024, sau khi hãng bay chấm dứt hợp đồng với đơn vị dịch vụ mặt đất SAGS. Pacific Airlines đã cung ứng cho Bamboo Airways các dịch vụ như check-in, vận chuyển hành khách ra máy bay, chất xếp hành lý, vệ sinh trên tàu bay… Hoạt động của hãng hàng không trong giai đoạn chuyển giao các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất vẫn luôn đảm bảo, không gây xáo trộn lớn hay ảnh hưởng đến trải nghiệm chuyến bay của hành khách.
Ngoài ra, mới đây Bamboo Airways thông báo trả sớm các máy bay Embraer E190 để hoàn thành mục tiêu khai thác đơn dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320/A321, theo đúng chiến lược, mô hình kinh doanh được chọn. Đội máy bay hành khách của Bamboo Airways từ tháng 4/2024 bao gồm 8 chiếc A320/321, dự kiến tăng lên 12 - 15 chiếc cùng loại vào cuối năm nay nếu các điều kiện tài chính, thị trường thuận lợi.
Nợ đối tác tại các sân bay hàng nghìn tỷ đồng Báo cáo tài chính của các đơn vị phục vụ dịch vụ mặt đất tại các sân bay thể hiện các khoản nợ phải thu với Bamboo Airways lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận khoản phải thu từ Bamboo Airways là 2.132 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ so với đầu năm. Gần như toàn bộ số nợ này được coi là nợ xấu và ACV đã phải trích lập 1.907 tỷ đồng cho mục này. Tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng ghi nhận khoản phải thu từ Bamboo Airways ở mức 46,3 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, tính đến ngày 31/12/2023, Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) ghi nhận khoản phải thu khó đòi với Bamboo Airways là 87 tỷ đồng.
|