Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 27/04/2025 00:00
Tin nóng:
Thúc đẩy hợp tác nông sản hữu cơ Việt Nam - Đức Tìm kiếm cơ hội cho nông sản hữu cơ Việt Nam tại thị trường Đức Rộng mở đầu ra cho nông sản hữu cơ miền núi |
Thị trường tiềm năng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Bắc Âu là một trong những khu vực dẫn đầu thế giới về tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng tại đây đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, môi trường và trách nhiệm xã hội trong lựa chọn sản phẩm hàng ngày. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung cấp các sản phẩm nông sản hữu cơ chất lượng cao.
![]() |
Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất các loại nông sản hữu cơ. Ảnh minh họa |
Đan Mạch là quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cao nhất thế giới. Năm 2020, 12,8% thực phẩm tiêu dùng tại Đan Mạch là sản phẩm hữu cơ, với giá trị thị trường ước đạt 2,8 tỷ EUR. Chính phủ Đan Mạch đặt mục tiêu tăng gấp đôi diện tích canh tác hữu cơ vào năm 2030.
Na Uy, mặc dù mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thấp hơn so với các nước Bắc Âu khác, thị trường hữu cơ tại đây vẫn đang tăng trưởng đều đặn, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6-8% trong thập kỷ qua.
Phần Lan và Iceland, người tiêu dùng tại hai quốc gia này cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại hai quốc gia này đã tăng trưởng khoảng 5-7% mỗi năm.
"Những số liệu này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường sản phẩm hữu cơ tại Bắc Âu, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng tại đây ngày càng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường", Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định.
Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất các loại nông sản hữu cơ như trà, cà phê, điều, tiêu, dừa, rau củ quả và các loại thảo dược. Các sản phẩm này đã có tiếng trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng tốt và hương vị đặc trưng.
Các sản phẩm như trà gừng, trà sen, trà hoa cúc và các loại thảo dược Việt Nam được biết đến với công dụng tốt cho sức khỏe, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hữu cơ tại Bắc Âu. Đây là những sản phẩm rất tiềm năng để phát triển thị trường ngách hữu cơ tại khu vực này.
Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua một số thách thức do Bắc Âu cũng như toàn bộ EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn hữu cơ và chứng nhận bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn như EU Organic Certification và đảm bảo quy trình sản xuất của mình phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
Quá trình đạt được các chứng nhận quốc tế về sản phẩm hữu cơ như EU Organic hoặc Fair Trade đòi hỏi chi phí cao và yêu cầu đầu tư dài hạn. Điều này có thể là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quản lý tốt chuỗi cung ứng, từ canh tác hữu cơ, sản xuất, đóng gói cho đến vận chuyển. Việc này đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu.
Chiến lược "đột phá" thị trường ngách
Để chinh phục thị trường Bắc Âu đầy tiềm năng, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường ngách sản phẩm hữu cơ một cách bài bản và chuyên nghiệp. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, đây là yếu tố then chốt để đạt được thành công bền vững.
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch là điều kiện tiên quyết để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng Bắc Âu, những người đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc và quy trình sản xuất sản phẩm. Doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với nông dân, nhà sản xuất và các bên liên quan để đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ từ khâu gieo trồng đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế.
![]() |
Để thâm nhập thành công thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức. Ảnh minh họa |
Việc đạt được các chứng nhận hữu cơ và thương mại công bằng từ các tổ chức uy tín như IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ) hoặc Fairtrade International sẽ giúp nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Bắc Âu.
Thị trường Bắc Âu có nhiều phân khúc khách hàng với nhu cầu và sở thích khác nhau. Việc xác định rõ đối tượng mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực và xây dựng chiến lược marketing hiệu quả. Các phân khúc khách hàng chính bao gồm: Người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, nhóm khách hàng này ưu tiên các sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thực phẩm, đồ uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Người tiêu dùng có ý thức về môi trường, nhóm khách hàng này chú trọng đến các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoặc phân hủy tự nhiên.
Khách hàng cao cấp, nhóm khách hàng này sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, độc đáo và mang giá trị văn hóa, như các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của Việt Nam.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ, gắn liền với các giá trị hữu cơ, bền vững và câu chuyện văn hóa độc đáo của Việt Nam. Marketing tập trung vào kể chuyện thương hiệu, khai thác yếu tố truyền thống và văn hóa, sẽ tạo sự khác biệt và thu hút người tiêu dùng. Tận dụng các nền tảng thương mại điện tử phổ biến như Zalando, Etsy hoặc Amazon để tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả.
Việc tham gia các hội chợ thương mại quốc tế về sản phẩm hữu cơ và thực phẩm tại Bắc Âu là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và nắm bắt xu hướng thị trường. Có thể ví dụ các hội chợ uy tín như BioFach (Đức), Nordic Organic Food Fair (Thụy Điển) và Organic Denmark là những sự kiện không thể bỏ qua.
Bằng việc triển khai chiến lược thâm nhập thị trường ngách một cách bài bản và linh hoạt, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục thị trường Bắc Âu đầy tiềm năng, khẳng định vị thế của nông sản hữu cơ Việt Nam trên bản đồ thế giới. |