19:38 | 03/05/2025
Quảng Bình- Quảng Trị: Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 8% Quảng Bình: Còn nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP Quảng Bình: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng công nghiệp |
Theo “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”, việc sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị tạo ra một vùng liên kết kinh tế mới với lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, hệ thống hàng không khi khu vực này sở hữu đồng thời hai sân bay: Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Quảng Trị đang được đầu tư xây dựng. Với vị trí chiến lược trên trục Bắc - Nam, việc có hai sân bay sẽ giúp tăng cường năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch và tạo ra cú hích mạnh mẽ cho phát triển kinh tế vùng ven biển Bắc Trung Bộ.
Mở thêm nhà ga thu hút nhà đầu tư
Cuối tháng 4 vừa qua, tại Quảng Bình, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỷ đồng.
Theo đại diện ACV trong những năm gần đây lượng hành khách qua cảng đã vượt quá công suất thiết kế. Tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách thông qua Cảng hàng không Đồng Hới trong những năm gần đây ở mức cao hơn so với trung bình của hệ thống cảng hàng không Việt Nam. Dự kiến đến hết năm 2025, sản lượng vận chuyển hành khách thông qua Cảng hàng không Đồng Hới ước đạt gần 1 triệu khách.
![]() |
Tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách thông qua Cảng hàng không Đồng Hới trong những năm gần đây ở mức cao hơn so với trung bình |
Theo đánh giá, việc khởi công Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách của Cảng.
Ông Đoàn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tỉnh Quảng Bình được đánh giá có tiềm năng lớn về du lịch, dịch vụ và logistics, với vị trí chiến lược trên trục Bắc-Nam và cửa ngõ hành lang kinh tế Đông-Tây. Những năm qua, Tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, thu hút ngày càng nhiều du khách và nhà đầu tư. Để góp phần tạo động lực hơn nữa cho tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; đồng thời cùng hướng đến mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đặc biệt là phát triển Du lịch – Ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, việc xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới trở thành nhiệm vụ cấp bách, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh Quảng Bình”.
“Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới hoàn thành, không chỉ giúp giải quyết bài toán về hạ tầng mà còn mở ra cơ hội để Quảng Bình bứt phá mạnh mẽ, đón đầu làn sóng đầu tư, phát triển bền vững trong tương lai”- ông Lâm chia sẻ
Sân bay Quảng Trị và tiềm năng đưa “đất lửa” cất cánh
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị hay sân bay Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây là dự án cảng hàng không được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Dự án được khởi công ngày 6/7/2024, khi đi vào hoạt động dự tính công suất 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Dự án được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai của huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) với quy mô hơn 265 ha. Sân bay được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm. Việc xây dựng sân bay Quảng Trị do liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Tập đoàn CIENCO4) thực hiện.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị vào ngày 27/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có chuyến làm việc, kiểm tra công tác thi công Cảng hàng không Quảng Trị.
![]() |
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị đang được đầu tư xây dựng (Ảnh: Ngọc Tân) |
Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Quảng Trị cần tính toán kỹ lưỡng việc kết nối hạ tầng giao thông, hình thành tổ hợp công nghiệp từ hàng không đến cảng biển, đường sắt, cao tốc… Bên cạnh đầu tư cho công nghiệp sân bay thì tỉnh cũng phải phát huy lợi thế từ sân bay để phát triển du lịch biển, dịch vụ; tính đến quy hoạch vùng phụ cận với nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng phù hợp, có liên quan... đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn T&T Group đã đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch, xây dựng “Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay” tại tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích hơn 10.800ha.
Cụ thể, Tập đoàn T&T Group định hướng xây dựng một hệ sinh thái hàng không hoàn chỉnh, liên hoàn bao gồm: cảng hàng không; trung tâm trung chuyển hàng hóa (Cargo Hub); tổ hợp công nghiệp hàng không (tổ hợp nghiên cứu phát triển sản xuất chế tạo linh kiện và phụ tùng tàu bay, lắp ráp, thử nghiệm, hoàn thiện tàu bay, nghiên cứu công nghệ vật liệu mới, bảo trì – bảo dưỡng máy bay, đào tạo huấn luyện kỹ thuật viên và phi công, trung tâm thử nghiệm công nghệ hàng không...) và đô thị sân bay, hướng tới phát triển thành một tổ hợp hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Được biết, vừa qua Bộ Xây dựng cũng vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.Trong đó, quy hoạch điều chỉnh vị trí sân quay đầu tại đầu 22 của đường cất hạ cánh, bổ sung sân quay đầu tại đầu 04, đồng thời điều chỉnh vị trí đài GP về phía Đông Nam đầu 22. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/ha-tang-hang-khong-co-hoi-vang-cho-quang-binh-quang-tri-but-pha-385886.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.