16:16 | 20/02/2025
Xuất khẩu tôm Việt bứt phá trên các thị trường chủ lực Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội từ thị trường ngách tại EU Top 5 thị trường 'vàng' của xuất khẩu tôm Việt Nam |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau thời gian suy giảm trong quý II/2024, kim ngạch tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng vọt trở lại vào nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm tôm hùm. Nhờ xu hướng này, kim ngạch xuất khẩu tôm loại khác (gồm tôm hùm) của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh.
Cụ thể, trong quý IV/2024, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 69% lên 258 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023. Nhờ sự tăng trưởng ấn tượng này, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
![]() |
Thị trường Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm tôm hùm. Ảnh: VASEP |
VASEP lý giải xu hướng này là do nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc giảm sút do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, Ecuador, một trong những nhà cung cấp tôm lớn cho Trung Quốc, cũng giảm xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2024. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo thống kê, nửa đầu tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 51 triệu USD, tăng 191% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) năm 2024, tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất (51,7%), tiếp theo là tôm chân trắng (36,1%) và tôm sú (12,2%). Đáng chú ý, xuất khẩu tôm loại khác đã tăng vọt 174% trong năm 2024, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng đột biến của các mặt hàng tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm đá sống. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 98-99% tổng lượng xuất khẩu.
VASEP nhận định rằng thị trường tôm chân trắng tại Trung Quốc, ngay cả trong thời điểm gần Tết Nguyên đán, vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá giảm. Nguyên nhân không phải do cung vượt cầu mà do khả năng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu suy giảm đáng kể.
Tôm chân trắng từng là mặt hàng phổ biến trong bữa ăn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, được ưa chuộng vì giá cả phải chăng và giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và thu nhập giảm, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến hiệu quả chi phí và lựa chọn các sản phẩm protein thủy sản khác. Mặc dù vậy, ở phân khúc thị trường cao cấp, mức tiêu dùng của giới nhà giàu vẫn tương đối ổn định.
Trước tình hình này, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh ở mặt hàng tôm hùm, đồng thời tăng cường quảng bá, tiếp thị và đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc.
Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, tổng nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc giảm nhập khẩu từ nhiều nguồn cung khác, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng trưởng dương. Về chủng loại, tôm hùm đá và các loại tôm biển khác là nhóm sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều thứ hai, tăng 39% so với năm 2023. Ngược lại, các sản phẩm tôm nước ấm, bao gồm tôm chân trắng đông lạnh, nhập khẩu vào Trung Quốc lại giảm. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/trung-quoc-tang-nhap-khau-tom-hum-xuat-khau-tom-huong-loi-374831.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.