20:49 | 18/01/2025
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại
Theo Cục Xúc tiến thương mại, năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã gặt hái nhiều kết quả. Cụ thể, về xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại: Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị chuyên ngành nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể hệ sinh thái xúc tiến thương mại số với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin thành phần đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định. Đồng thời, bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Dương - Giám đốc Trung tâm INTEC (Bộ Công Thương) - cho biết, đến nay, một số cấu phần nền tảng trong Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số đã và đang được Cục Xúc tiến thương mại hoàn thiện, phát triển đưa vào sử dụng bao gồm: Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM); Hệ thống đào tạo trực tuyến (Vietrade Edu); Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (iTrace 247).
![]() |
Theo Cục Xúc tiến thương mại, năm 2024, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã gặt hái nhiều kết quả. Ảnh: V.T |
Bên cạnh đó, theo ông Dương, trong hệ sinh thái số xúc tiến thương mại còn có bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam (Vietrade Map); Phần mềm hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo và các sự kiện xúc tiến thương mại (Event Automation); Nền tảng tổ chức hội chợ triển lãm trực tuyến (Virtual Exibition); và một số nền tảng, hệ thống khác đang được nghiên cứu xây dựng như: Nền tảng quảng bá thông tin khuyến mại tập trung (Promotion); Nền tảng kết nối kinh doanh thông minh (Smart B2B); Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại (Vietrade Data).
Đồng thời, trong năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại tại một số địa phương như Bắc Kạn, Bình Phước, Khánh Hòa để hỗ trợ các địa phương, tổ chức tập huấn, tư vấn, hỗ trợ triển khai tham gia vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Nâng cao năng lực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số
Nhằm nâng cao năng lực thực hiện công tác xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, năm 2024, theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Cục đã triển khai các khóa tập huấn với các nội dung đa dạng, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực thu hút sự tham gia của đông đảo học viên từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã của các địa phương.
Cụ thể, Cục đã phối hợp tổ chức 6 khóa tập huấn về “Tăng cường năng lực xuất khẩu các sản phẩm tiềm năng sang thị trường EU thông qua Bản đồ Xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản Việt Nam” tại các địa phương: Tiền Giang, Cần Thơ, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Nội, Thái Nguyên nhằm cung cấp, phổ biến thông tin về thị trường EU, hiệp định EVFTA và đào tạo cách thức sử dụng Bản đồ để tối ưu hóa việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu nông sản Việt Nam.
![]() |
Năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với TikTok Shop tổ chức thành công nhiều khoá tập huấn đào tạo kinh doanh trên nền tảng số. Ảnh: Đ.N |
"Cục cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức 15 khóa tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương: Lào Cai, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang,… với nội dung hỗ trợ, hướng dẫn đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số, nâng cao kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng số hoặc các ứng dụng, mạng xã hội như TikTok Shop,… để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh tiêu thụ, kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước" - ông Dương nói.
Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế, ông Dương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com triển khai Gian hàng quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion trên Alibaba.com.
Song song với đó, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp Alibaba tuyển chọn và công bố 100 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam được chọn tham gia gian hàng sẽ hiển thị trong gian hàng, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo và các hỗ trợ khác trên nền tảng thương mại điện tử này.
Đồng thời, để tạo hiệu ứng lan tỏa, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai quảng bá, giới thiệu về gian hàng Vietnam Pavilion với các doanh nghiệp và tổ chức trong nước và quốc tế thông qua các bài viết, quảng cáo và thông tin về gian hàng đăng tải trên 30 trang báo uy tín và các nền tảng truyền thông tại châu Âu và Việt Nam; qua đó giúp tăng cường sự nhận diện thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác, khách hàng tiềm năng tại nước ngoài.
Năm 2025, nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế; đào tạo về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại... |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/toi-uu-hoa-quang-ba-san-pham-va-thuong-hieu-nong-san-370231.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.