Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 20/11/2024 19:33
Tin nóng:
Việt Nam đang bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á Giá tiêu Việt Nam đang thấp nhất thế giới |
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có một số sự thay đổi nhất định với sự gia tăng mạnh mẽ của tiêu xay và giảm dần đối với tiêu nguyên hạt.
Theo đó, tiêu đen nguyên hạt vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 159.938 tấn, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng xuất khẩu. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu chủng loại này đã giảm 9,3%.
Tương tự, lượng tiêu trắng nguyên hạt xuất khẩu cũng giảm 1,8%, xuống còn 16.639 tấn và chiếm 14,8% tỷ trọng. Ngoài ra, lượng tiêu đen ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… xuất khẩu cũng giảm 6,4%.
10 tháng năm 2024, xuất khẩu tiêu đen nguyên hạt của Việt Nam đạt gần 160.000 tấn |
Trong khi đó, xuất khẩu tiêu đen xay đạt 32.464 tấn, tăng mạnh 42,3% so với cùng kỳ và chiếm 14,8% tỷ trọng; tiêu trắng xay cũng tăng đến 46,1%, đạt 8.853 tấn và chiếm 4%.
Với kết quả này, tỷ lệ xuất khẩu hồ tiêu nguyên hạt của Việt Nam đang vào khoảng 80,5% và tỷ lệ xay và chế biến khác ở mức 19,5%.
Cũng theo số liệu thống kê của VPSA, cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá bán của Ấn Độ, Malaysia. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
Vì vậy, VPSA khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.
Cũng theo số liệu của VPSA, tính đến hết tháng 10/2024, Olam Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất đạt 23.160 tấn, chiếm 10,6% và tăng 51,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp như Phúc Sinh đạt 20.118 tấn, chiếm 9,2%, tăng 58,2%; Nedspice Việt Nam đạt 17.014 tấn, chiếm 7,8%, tăng 10%; Haprosimex JSC đạt 16.002 tấn, chiếm 7,3%, tăng 77,5% và Trân Châu đạt 14.031 tấn, chiếm 6,4% và giảm 0,8%...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 với khối lượng đạt 64.112 tấn, trị giá 337,8 triệu USD, tăng mạnh 48,25% về lượng và 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 29,3% về lượng và 30,4% tổng trị giá xuất khẩu tiêu của nước ta.
Giá xuất khẩu tiêu sang thị trường này trong 10 tháng đạt bình quân 5.269 USD/tấn, tăng 31,7%.
Còn theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ trong tháng 9 đạt 9.793 tấn, tăng 32,8% so với tháng trước và tăng 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu tiêu của nước này đạt 73.087 tấn, trị giá 365,5 triệu USD, tăng 43,3% về lượng và 55,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ, với lượng đạt 56.820 tấn, trị giá 281,3 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 60,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ chiếm 77,7% tổng lượng và chiếm 77% tổng trị giá.
Lượng tiêu nhập khẩu của Mỹ từ các thị trường lớn khác cũng tăng trong 9 tháng đầu năm như Ấn Độ tăng 27,5%, Indonesia tăng 88,5%, Brazil tăng 88,8%...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong những tháng đầu năm nay, bất chấp nền kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, lạm phát ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, nhưng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của nhiều thị trường có dung lượng lớn vẫn tăng, ngoại trừ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, giá tiêu tăng tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu của các nước sản xuất, trong đó có Việt Nam. Những tháng còn lại của năm nay, tình hình lạm phát có dấu hiệu cải thiện, cùng với yếu tố chu kỳ sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu tăng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo các tháng cuối năm nay, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ không thuận lợi do nguồn cung nội địa không còn nhiều, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn thấp.
Dự kiến sang đầu năm 2025, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sẽ thuận lợi nhờ nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, sau vụ thu hoạch gần nhất của Indonesia thì đến tận tháng 2/2025, nguồn cung hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự bổ sung đáng kể. Đây được cho là yếu tố thuận lợi khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới 2025.