Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 08:27
Tin nóng:
DBFOOD: Sản phẩm OCOP 4 sao 'kết tinh' từ dược liệu quý Vĩnh Phúc: Phát triển sản phẩm OCOP bền vững |
Khai thác lợi thế địa phương
Lợi thế của vùng trung du, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng về vùng dược liệu như Tam Đảo, Phúc Yên... hay nhiều làng nghề truyền thống như Tương Khả Do, Bánh tẻ Tứ Yên, Cá thính Lập Thạch, Bánh hòn Hương Canh, Rắn Vĩnh Sơn… từ đó được người dân gìn giữ, phát huy, doanh nghiệp khai thác để biến thành những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng riêng biệt như: Trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo sữa ong chúa, mật ong đông trùng hạ thảo, mật ong chanh leo, rượu ba kích, bột sữa gạo lứt, trà gạo lứt hữu cơ – Trà hoa vàng, trà gạo lứt hữu cơ Đông trùng hạ thảo…
![]() |
Vĩnh Phúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng. Ảnh: Thu Thủy |
Để khai thác, biến các nguyên liệu vùng, miền thành những sản phẩm tinh túy đặc trưng, ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ, hướng dẫn “chắp cánh” để các sản phẩm thành “hình hài” và con đường đi đến OCOP được thành công.
Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: "Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương, đặc biệt khí hậu ẩm ướt, mát mẻ của vùng Tam Đảo, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã khai thác 10ha vùng trồng dâu tằm, bước đầu cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP chất lượng.
Đặc biệt, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh đã hỗ trợ về thủ tục, đăng ký công bố sản phẩm, quảng bá, triển lãm trưng bày sản phẩm, thiết bị máy móc... Kế hoạch thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng ra các huyện trong tỉnh với 200ha nhằm khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và phục vụ cho các sản phẩm OCOP đặc trưng của Vĩnh Phúc".
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 178 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, trong đó có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 137 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của 80 chủ thể (hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ kinh doanh).
Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc Trần Quốc Huy cho biết: “Công tác xúc tiến đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng, những năm qua, ngành Công Thương Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp tích cực".
Cụ thể, theo ông Huy, nhiều nhóm chính sách được Sở tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương triển khai, trong đó, chú trọng hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất cho các doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Sở cũng triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho các thành viên nói chung và các doanh nghiệp, Hợp tác xã, làng nghề tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh… Qua đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xúc tiến thương mại – “chìa khóa vàng” cho các doanh nghiệp
Nhờ hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến thương chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc đến đông đảo người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước; đồng thời, là “chìa khóa” mở cho cánh cửa cho các doanh nghiệp vươn xa, kết nối thị trường trong và ngoài nước, ngành Công Thương đã hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
![]() |
Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã khai thác vùng trồng dâu tằm, bước đầu cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP chất lượng. Ảnh: Thu Thủy |
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm trên địa bàn, theo Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc Trần Quốc Huy, trong năm 2025, một số hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được Sở quan tâm, đẩy mạnh như: Tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm… trong và ngoài tỉnh nhằm các sản phẩm OCOP, thúc đẩy kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; phát triển, xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng rãi ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh;
Đặc biệt, tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Tam Đảo, Tây Thiên… đã có các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm quy mô thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước; các tour du lịch cũng được nhiều đơn vị lữ hành đưa sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu, tạo được ấn tượng và sự quan tâm, hướng tới ký kết các hợp đồng kinh tế lâu dài.
Cùng với đó, Sở cũng quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp đa dạng hóa, phát triển sản phẩm theo hình thức online, qua các sàn thương mại điện tử hay làm quà tặng trong các chương trình hội nghị lớn, giao lưu đối tác nước ngoài… nhằm quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản vật, sản phẩm đặc trưng của vùng đất và con người Vĩnh Phúc tới bạn bè quốc tế.
Có thể thấy, từ chủ trương, chính sách đúng đắn, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP gặt được "quả ngọt" từ việc nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương về đầu tư trang thiết bị; hỗ trợ kỹ thuật; thị trường thương mại, chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP...
![]() |
Các sản phẩm của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thu Thủy |
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng đối với nhiều sản phẩm trên địa bàn, tạo gắn kết nhà khoa học-nhà nông-doanh nghiệp, các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP đã được quan tâm ứng dụng tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh trên các thị trường và sàn thương mại điện tử.
Nhờ đó, số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng tăng cho thấy tư duy sản xuất của các chủ thể, doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh quê hương.
Trong năm 2024, Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại như: Hội chợ Công Thương khu vực Đồng bằng sông Hồng - Vĩnh Phúc, quy mô gần 300 gian hàng, hội chợ đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất từ 17 tỉnh, thành phố tham gia. Tổ chức các phiên chợ hàng Việt về các huyện miền núi, các điểm bán hàng cố định "Tự hào hàng Việt" tại các huyện; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam... tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. |