Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 18:35
Tin nóng:
Tiềm năng lớn từ thị trường Trung Quốc
Với dân số đông và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tự nhiên ngày càng tăng, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất thế giới. Việt Nam, với lợi thế về khí hậu và đất đai, đã và đang khẳng định vị thế là một trong những nhà cung cấp dừa tươi chất lượng hàng đầu cho thị trường này.
Theo các chuyên gia, nếu tận dụng tốt cơ hội, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc có thể mang về thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm nay, góp phần đáng kể vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa Việt Nam.
Sơ chế dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: Minh Đảm |
Dừa Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng nhờ hương vị thơm ngon, độ ngọt vừa phải và hàm lượng dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một lợi thế cạnh tranh lớn của dừa Việt Nam so với các đối thủ khác trên thị trường quốc tế.
Trong tháng 10/2024, những container dừa tươi đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là những lô dừa tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân qua các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc.
Việc dừa tươi chính ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp giá dừa uống nước tăng cao và ổn định hơn. Điều này sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân, từ đó khuyến khích họ mở rộng diện tích trồng dừa, đảm bảo sự phát triển bền vững, ngoài ra cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Nâng cao giá trị xuất khẩu từ trái dừa hữu cơ
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha dừa, được trồng ở 15 tỉnh, thành phố, với sản lượng ước đạt 2 triệu tấn/năm. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của nước ta đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre). Hiện, trái dừa tươi đã xuất khẩu sang 15 thị trường trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn. Cả nước có trên 600 doanh nghiệp sản xuất dừa và liên quan đến dừa. Điều này tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu loại quả này.
Trồng dừa hữu cơ đang trở thành hướng đi mới, đầy triển vọng của nông dân, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm dừa Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nụ, một nông dân trồng dừa ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định chia sẻ: “Với khu vườn chỉ 500m2, gia đình đã thành công khi áp dụng mô hình trồng dừa hữu cơ. Thay vì sử dụng phân hóa học, gia đình tôi chỉ dùng phân hữu cơ như phân chuồng và phân mụn dừa để nuôi dưỡng cây. Kết quả là, vườn dừa của gia đình không chỉ cho năng suất cao mà trái dừa còn chất lượng hơn, đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu”.
Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc An tại Bình Định là một điển hình trong việc xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng đến tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ. Hiện nay, hợp tác xã đã quy hoạch vùng nguyên liệu dừa hữu cơ cho 200 hộ dân với 5.000 cây dừa. Trái dừa được thu mua về để sản xuất dầu dừa và bánh tráng, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, ngành sản xuất dừa của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất mà ngành dừa Việt Nam đang phải đối mặt là giá thành sản phẩm thường cao hơn so với các nước đối thủ, đặc biệt là Thái Lan. Điều này khiến cho sản phẩm dừa của Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp sản xuất dừa ở Việt Nam thường hoạt động độc lập, thiếu sự liên kết và hợp tác. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực và khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm dừa Việt Nam. Hơn nữa, việc sử dụng các nguồn giống không kiểm soát, tự lai tạo đã gây ra nhiều khó khăn trong việc hình thành các vùng nguyên liệu đồng đều, chất lượng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sản lượng của dừa.
Bên cạnh đó, công nghệ chế biến dừa tươi uống nước của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính "bán thủ công", dẫn đến sản phẩm có chất lượng không đồng đều và ít đa dạng. Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm, xuất xứ, bao bì, mẫu mã, đặt ra những yêu cầu cao hơn cho sản phẩm dừa Việt Nam.
Để duy trì chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trên thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng quy trình chọn lựa, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, giá cạnh tranh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp, nhà vườn cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng quy trình sản xuất, liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn cung ổn định và chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thay đổi chất lượng để đồng bộ. Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ thị trường, nâng cao giá trị trái dừa Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, trái dừa tươi được xếp vị trí thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trái cây, sau sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít. Cả năm 2024 dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa tươi và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD (tăng 15 - 20% so với năm 2023) nếu quá trình xuất khẩu diễn ra suôn sẻ. Trong đó, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. |