Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 00:09
Tin nóng:
Cao Bằng: Xây dựng thương hiệu gạo nếp ong Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu gạo VFA đề xuất đưa ra quy định giá sàn xuất khẩu gạo |
Gạo nếp ong Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng với hương vị thơm ngon, dẻo mềm đặc trưng. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, loại gạo đặc sản này vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng tiêu thụ, những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt cũng như các giải pháp chiến lược để đưa sản phẩm vươn xa hơn, PV Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với bà Phạm Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng, một trong những doanh nghiệp gạo nếp ong tiêu biểu của Cao Bằng.
![]() |
Bà Phạm Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Hoàng. Ảnh: N.H |
PV: Gạo nếp ong đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, bà có thể chia sẻ về thế mạnh của sản phẩm trên địa bàn? Đặc biệt, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con, doanh nghiệp đã triển khai những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Chính: Cao Bằng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng đặc sản. Trong đó, gạo nếp ong là một trong những sản phẩm có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hạt gạo tròn, bóng, dẻo thơm tự nhiên. Đây là giống lúa đặc trưng của vùng, chỉ trồng được ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, đất phù sa giàu dinh dưỡng.
Hiện nay, sản lượng gạo nếp ong tại Cao Bằng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ trong nước, một phần được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu, cải thiện mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ, chúng tôi đã tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Công ty đã liên kết với hơn 300 hộ nông dân tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Quảng Hòa để đảm bảo nguồn cung ổn định, đồng thời hướng dẫn bà con canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng đồng đều.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư vào công nghệ chế biến, đóng gói hiện đại, giúp kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của gạo nếp ong. Đặc biệt, công ty đã mở rộng kênh phân phối, không chỉ tiêu thụ qua các chợ truyền thống mà còn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, đồng thời hợp tác với các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, Big C để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ hàng năm tăng trung bình 15 - 20%.
PV: Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp đưa thương hiệu gạo nếp ong "vươn xa", bà đánh giá như thế nào về công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành và các đơn vị trên địa bàn?
Bên cạnh sự chủ động tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và các hiệp hội trong việc tổ chức nhiều hoạt động giao thương từ các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước. Nhờ đó, gạo nếp ong Cao Bằng đã có cơ hội tiếp cận các hệ thống bán lẻ hiện đại và các đối tác xuất khẩu tiềm năng.
Sở Công Thương Cao Bằng cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia các hội chợ thương mại, tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Đặc biệt, Sở Công Thương đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp về kỹ năng đàm phán thương mại quốc tế, tiêu chuẩn xuất khẩu và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc mở rộng thị trường, ký kết hợp đồng với các đối tác quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai các chương trình hỗ trợ về tem truy xuất nguồn gốc, nâng cấp bao bì sản phẩm để tăng tính cạnh tranh của gạo nếp ong trên thị trường.
PV: Theo bà, để mở rộng thị trường đối với sản phẩm nông sản trên địa bàn nói chung và gạo nếp ong nói riêng, các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì?
Bà Phạm Thị Chính: Một trong những khó khăn lớn nhất là quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng các sản phẩm nông sản nói chung và gạo nói riêng không đồng đều, khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Ngoài ra, giá thành sản xuất còn cao do chi phí vật tư nông nghiệp tăng mạnh, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Chi phí vận chuyển cũng là một trở ngại lớn khi Cao Bằng là tỉnh miền núi, hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, khiến giá bán sản phẩm cao hơn so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản hay gạo nếp ong vẫn chưa thực sự được đầu tư bài bản, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Đặc biệt, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng đặt ra những thách thức lớn. Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, kiểm định an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào khâu kiểm soát chất lượng, đạt được các chứng nhận quốc tế như HACCP, ISO, GlobalGAP. Tuy nhiên, quá trình đạt được các tiêu chuẩn này lại mất nhiều thời gian và chi phí, gây áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Mặt khác, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ, sạch, không hóa chất. Để đáp ứng nhu cầu này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự thay đổi từ quy trình sản xuất, đến đóng gói, bảo quản, điều này cũng tạo thêm áp lực lớn cho doanh nghiệp và người nông dân.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp gạo trên địa bàn vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại |
PV: Để nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản gạo nếp ong, doanh nghiệp kiến nghị gì, đặc biệt trong sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành cũng như chính quyền địa phương?
Bà Phạm Thị Chính: Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành cũng như chính quyền địa phương có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong việc mở rộng vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, logistics để giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cũng rất quan trọng để nâng cao giá trị và uy tín của gạo nếp ong trên thị trường.
Với các hộ nông dân và đơn vị sản xuất, chúng tôi khuyến khích bà con tham gia vào các hợp tác xã, sản xuất theo mô hình tập trung, áp dụng quy trình canh tác sạch để đảm bảo chất lượng đồng đều. Việc đầu tư vào chế biến sâu cũng rất cần thiết để đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ dừng lại ở gạo thô mà còn có thể sản xuất bột gạo, bánh gạo, rượu nếp, giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân, gạo nếp ong Cao Bằng chắc chắn sẽ trở thành sản phẩm chủ lực, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!