Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 21:40
Tin nóng:
Thương mại điện tử đang tạo nên một cuộc cách mạng tiêu dùng toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thương mại điện tử đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế số của đất nước. Tại Quảng Ninh, lĩnh vực này cũng đang chứng kiến những bước tiến đáng kể, góp phần chuyển đổi số toàn diện.
Bước tiến mạnh mẽ
Thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những thành tựu nổi bật. Doanh số thương mại điện tử nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời, tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng trưởng vượt bậc, cho thấy sự thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng của người dân.
Sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp. Hiện nay, Quảng Ninh đã có một hệ thống các website thương mại điện tử khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Người tiêu dùng có thể tham khảo, lựa chọn sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh. Ảnh chụp màn hình |
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có 156 websits về thương mại điện tử, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chưc năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc phát triển thương mại điện tử là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hợp tác xã có thể tiếp cận tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử.
Không muốn bị tụt hậu so với xu hướng chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sản xuất nhỏ và vừa, đang tích cực tìm kiếm những giải pháp để thích nghi và phát triển. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ, người vừa được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, là một ví dụ điển hình cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử.
Anh Mạnh đã quyết định đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng thương mại điện tử. Với việc phát sóng livestream và sản xuất các video ngắn giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, anh đã mở ra một kênh tiếp thị hoàn toàn mới, giúp sản phẩm của công ty đến gần hơn với người tiêu dùng.
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, Quảng Ninh còn hướng tới mục tiêu phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra những cánh cửa mới cho hàng hóa Việt Nam.
Trao đổi với truyền thông, bà Nguyễn Thị Thúy Lụa, Trưởng phòng Tư vấn xuất khẩu khu vực phía Bắc, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB – đại lý Alibaba tại Việt Nam cho biết, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đang đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu của thương mại điện tử Việt Nam. Với lợi thế địa lý, các doanh nghiệp Quảng Ninh hoàn toàn có thể tận dụng các sàn thương mại điện tử này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, để thành công trong thương mại điên tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần phải đối mặt với nhiều thách thức như: Rào cản ngôn ngữ, thủ tục hải quan, cạnh tranh khốc liệt. Để khắc phục những khó khăn này, sản phẩm của các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế. Xây dựng thương hiệu đáng tin cậy, nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp. Tìm kiếm các đối tác logisitcs, thanh toán để hỗ trợ quá trình xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn cuối năm, ngành Công Thương Quảng Ninh cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ; tận dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, và Youtube để truyền thông rộng rãi, tạo nội dung hấp dẫn và dễ chia sẻ để thu hút người tiêu dùng trên toàn quốc. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội bán hàng trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và các nền tảng số…
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của thương mại điện tử, Quảng Ninh đã đặt ra những mục tiêu tham vọng. Đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. |