Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 26/11/2024 19:19
Tin nóng:
Hơn chục triệu đồng một vé máy bay Tết 2024, người dân đau đầu lo chuyện về quê Các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử |
Trao đổi với báo chí, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người tiêu dùng không lo thiếu hàng, sốt giá. Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối hiện đại để đưa thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
Doanh nghiệp tích cực dự trữ hàng hóa
Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về tình hình thị trường và nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Giáp Thìn 2024?
Bà Lê Việt Nga: Những năm gần đây, lượng hàng hóa sử dụng vào các dịp Tết thường có xu hướng tăng 15-30% so với bình thường. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, theo báo cáo của các đơn vị phân phối lớn, con số vẫn tăng lên nhưng có thể sẽ thấp hơn so với mọi năm, khoảng 7-15%.
Bà Lê Việt Nga. Ảnh: VŨ DUNG |
Thông tin từ các hệ thống phân phối lớn cũng cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị đều đã xây dựng chiến lược phân phối thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Đánh giá về nguồn cung, các doanh nghiệp rất tự tin, cam kết phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn cung, giá cả hàng hóa được dự báo sẽ không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, không ít doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.
Hiện nay, Bộ Công Thương và các địa phương, đơn vị phân phối lớn đang tiếp tục nắm bắt thông tin thị trường để có những điều chỉnh kịp thời, nhằm bảo đảm hàng hóa luôn đầy đủ, giá cả hợp lý, đồng thời không để xảy ra tình trạng tồn kho quá lớn, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
PV: Cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các đối tượng sẽ tuồn mạnh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ra thị trường, vậy đâu là giải pháp ngăn chặn tình trạng này, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Dịp cuối năm, Bộ Công Thương luôn tập trung nguồn lực vào công tác kiểm tra, kiểm soát tốt nhất thị trường. Nhằm bảo đảm bình ổn thị trường dịp cuối năm và lễ, Tết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc tăng cường lực lượng, ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hành vi tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường...
Phát triển hệ thống phân phối, cung ứng thực phẩm an toàn
PV: An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, vậy Bộ Công Thương có những giải pháp gì trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong cao điểm mua sắm dịp Tết, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội của mỗi quốc gia.
Hằng năm, khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ có văn bản chỉ đạo về vấn đề bình ổn thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong đó, công tác an toàn thực phẩm được Bộ Công Thương lồng ghép trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về quản lý nhà nước, sản xuất và phân phối thực phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu, được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như gạo, thịt lợn, trứng, dầu ăn, thủy hải sản, rau củ, bánh kẹo...
PV: Hệ thống phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thực phẩm an toàn, chất lượng tới tay người tiêu dùng, nhiệm vụ phát triển hệ thống phân phối hiện đại đã được Bộ Công Thương triển khai như thế nào, thưa bà?
Người dân mua hàng hóa tại hệ thống siêu thị Winmart, Hà Nội. Ảnh: NAM TRỰC |
Bà Lê Việt Nga: Thời gian qua, hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn đã chứng kiến sự phát triển và tham gia mạnh mẽ của nhiều chuỗi phân phối hiện đại, có quy mô rộng khắp trên cả nước; cùng với đó là sự chuyển mình tích cực của kênh bán lẻ truyền thống. Đơn cử, đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", rất nhiều điểm bán hàng Việt Nam trên phạm vi toàn quốc đã được tổ chức, hàng hóa tại các điểm bán luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, các đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình xúc tiến tiêu thụ hàng hóa thương mại điện tử quốc gia... đã tạo ra những điểm bán hàng mới có vị trí thuận tiện, thu hút người tiêu dùng và khách du lịch tham quan, mua sắm hàng hóa đặc trưng của địa phương.
Giai đoạn vừa qua, kênh thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nhiều kênh thương mại điện tử cũng tổ chức các gian hàng an toàn thực phẩm trên không gian số như Lazada, Shopee... Hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Thị trường trong nước triển khai Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản Việt an toàn trên không gian mạng.
Nhưng cần nhấn mạnh rằng, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sự ủng hộ của người tiêu dùng.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!