Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 16:18
Tin nóng:
Lễ hội Oóc om bóc - cơ hội để quảng bá hàng Việt
Tỉnh Sóc Trăng có nền văn hóa đa dạng với sự chung sống của các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, từ lâu đã được biết đến qua những lễ hội đặc sắc, trong đó, có Lễ hội Oóc om bóc của người Khmer.
Đây là dịp để người dân tri ân thần mặt trăng, cầu mong mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no. Nhận thấy tiềm năng to lớn của sự kiện này, tỉnh Sóc Trăng đã tận dụng dịp lễ hội để thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đưa các sản phẩm nội địa đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tỉnh Sóc Trăng đưa Cuộc vận động "“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào các hoạt động của Lễ hội Oóc om bóc. Ảnh Soctrang.gov.vn |
Trong suốt những năm qua, Sóc Trăng không ngừng lồng ghép Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” vào các sự kiện lớn của tỉnh, đặc biệt là qua Lễ hội Oóc om bóc. Đây không chỉ là dịp tạo không khí vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa mà còn là cơ hội để doanh nghiệp và tiểu thương giới thiệu sản phẩm Việt tới đông đảo người dân và du khách. Lãnh đạo tỉnh nhận thấy rằng, với lượng lớn người tham dự lễ hội, đây là cơ hội tuyệt vời để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương cũng như du khách. Đưa hàng Việt đến gần hơn với công chúng là nhiệm vụ chiến lược giúp bảo vệ và phát triển hàng hóa nội địa trước sự gia tăng của sản phẩm ngoại nhập.
Năm 2024, qua hàng loạt sự kiện thương mại như hội chợ, triển lãm và phiên chợ đặc sản, Sóc Trăng đã khuyến khích người dân ủng hộ hàng Việt, từ đó, góp phần nâng cao ý thức tự hào dân tộc và tăng cường sử dụng sản phẩm trong nước.
Đưa hàng Việt về nông thôn - mở rộng cuộc vận động đến vùng sâu, vùng xa
Một trong những điểm nổi bật tại lễ hội là hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nơi trưng bày những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến đến thủ công mỹ nghệ.
Với sự tham gia của hàng trăm gian hàng, người dân và du khách được tiếp cận với các sản phẩm 100% “made in Vietnam,” từ những thương hiệu quen thuộc đến các sản phẩm mới lạ từ các làng nghề truyền thống. Sự đa dạng của hội chợ đã giúp người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng hàng Việt, đồng thời khuyến khích họ ưu tiên chọn lựa sản phẩm nội địa. Việc hội chợ diễn ra ở trung tâm thành phố Sóc Trăng, với thời gian kéo dài trong một tuần, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả người bán và người mua gặp gỡ, trao đổi và tăng cường niềm tin vào sản phẩm trong nước.
Một số sản phẩn OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Thanh Minh |
Ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng - cho biết, từ năm 2019 đến nay, có hơn 50 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã; 20 phiên chợ kích cầu tiêu dùng nội địa (với gần 570 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh số bán gần 9,6 tỷ đồng); đồng thời, tổ chức 2 điểm bán hàng Việt cố định tại các huyện là Châu Thành, Mỹ Xuyên.
Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo của tỉnh hằng năm, ngành Công Thương tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức thành công 5 kỳ hội chợ triển lãm; hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hơn 110 cuộc hội chợ, triển lãm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, sở phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 8 hội chợ trong khuôn khổ các hoạt động “Tết Quân - Dân”. Đồng thời, thông tin và vận động doanh nghiệp tham gia trên 200 kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, với hơn 260 lượt doanh nghiệp tham gia.
Đặc biệt, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong lễ hội là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc. Chương trình này không chỉ tổ chức tại các khu vực trung tâm mà còn triển khai các chuyến bán hàng lưu động ở những vùng xa xôi, giúp người dân nông thôn tiếp cận với sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý. Nhờ đó, người dân ở các khu vực xa trung tâm có thêm cơ hội trải nghiệm sản phẩm Việt Nam, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa và lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến mọi tầng lớp xã hội. Với các chuyến bán hàng lưu động, người dân được tiếp cận sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và chất lượng, từ đó khẳng định lòng tin và tự hào về sản phẩm Việt.
Những thách thức và giải pháp
Bên cạnh những thành công đã đạt được, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Sóc Trăng vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, nên công tác mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tham gia hội chợ, triển lãm chưa nhiều. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì của một số sản phẩm chưa phong phú, chất lượng sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, một số khu vực vẫn còn thiếu các hoạt động tuyên truyền, dẫn đến tâm lý chuộng hàng ngoại ở một số nhóm người tiêu dùng.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá thương hiệu. Sở Công Thương Sóc Trăng cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền và quảng bá trực quan, giúp hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành khác để quảng bá sản phẩm nội địa đến các thị trường lớn. Các sự kiện kết nối vùng miền, đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc, không chỉ quảng bá hàng Việt mà còn tạo ra cơ hội giao thương cho doanh nghiệp và tăng cường kết nối với các khách hàng từ nhiều nơi. Những nỗ lực này đã thúc đẩy phát triển bền vững cho các sản phẩm nội địa, từ đó nâng cao vị thế của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng và giúp tỉnh Sóc Trăng tiếp thu kinh nghiệm từ các địa phương khác.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các hoạt động của Lễ hội Oóc om bóc đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm trong nước. Việc ủng hộ sản phẩm nội địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt không chỉ là sự lựa chọn tiêu dùng mà còn là hành động thiết thực khẳng định lòng yêu nước và góp phần xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
Tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày từ ngày 9/11-15/11/2024. |