Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 29/04/2025 08:58
Tin nóng:
UKVFTA: Đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Vương quốc Anh Nỗ lực để xuất khẩu tôm giữ vị thế trên thế giới Tận dụng cơ hội từ FTA: Xuất khẩu tôm bứt phá |
Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Trong bối cảnh sản lượng tôm tăng trưởng chậm, nguồn cung tôm nguyên liệu hạn chế thì chế biến sâu sẽ là xu thế, giúp ngành tôm đạt được các mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong tương lai.
Chế biến sâu - Xu hướng tất yếu của ngành tôm
Hiện nay, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Giới chuyên gia đánh giá, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt Nam thuộc cấp độ cao nhất trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như: Tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ chân trắng thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ chân trắng xiên que đông lạnh…
![]() |
Nguồn cung tôm nguyên liệu hạn chế thì chế biến sâu sẽ giúp ngành tôm vươn tầm. Ảnh: Chu Khôi |
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong lĩnh vực chế biến tôm, cả thế giới có được 6 quốc gia, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia đứng đầu về công nghệ chế biến sâu. Cũng nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần.
Mặc dù công nghệ chế biến hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cho con tôm chế biến nhưng cũng cần có những yếu tố như bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài yếu tố đẳng cấp chế biến, doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam còn hướng đến sử dụng lợi thế về mặt vị trí địa lý với nhiều thị trường gần.
Tôm Việt Nam giữ vững vị thế
Gần đây, các nước đều đã bắt đầu tham gia cuộc đua chế biến tôm. Cụ thể, ông lớn ngành tôm Ecuador là Sociedad Nacional de Galapagos đang tăng cường đầu tư cho dây chuyền sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng với công suất dự kiến khoảng 91 tấn tôm nguyên liệu/ngày. Quyết định đầu tư này diễn ra trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu tại Ecuador giảm sâu do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng. Trong khi đó, ngành tôm Ấn Độ đã đưa chương trình này vào chiến lược phát triển cách đây khá lâu.
Một số ý kiến lo ngại rằng, vị thế ngành tôm của Việt Nam sẽ bị đe dọa. Bởi từ trước đến nay, chế biến sâu vẫn được coi là 'vũ khí' để tồn tại trên thị trường thế giới vốn cạnh tranh khốc liệt về giá. Ngoài ra, Ecuador và Ấn Độ đang có giá thành tôm nguyên liệu rất rẻ, chưa kể vị trí địa lý cũng gần với những thị trường chính như EU và Mỹ. Bên cạnh đó, căng thẳng biển Đỏ vẫn chưa hạ nhiệt khiến Việt Nam chịu sức ép rất lớn về chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh trực tiếp về phân khúc cao cấp.
![]() |
Các doanh nghiệp phải luôn linh hoạt thích ứng và cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Ảnh: Thanh Hải |
Tuy nhiên, trong hàng nghìn nhà máy chế biến tại Ấn Độ, đa phần công suất chỉ ở mức vừa phải, khó tổ chức sản xuất để có nguồn hàng lớn cung ứng tới các tổ chức phân phối, tiêu thụ lớn ở những thị trường chính. Ecuador có lợi thế khi sở hữu nhiều doanh nghiệp gia tộc có năng lực tài chính lớn. Nhưng họ bị hai áp lực là phải chế biến hết lượng tôm nguyên liệu quá lớn và lao động ngành chế biến thiếu hụt trầm trọng.
Do đó, giả sử các đối thủ đuổi kịp về trình độ chế biến thì ngành tôm Việt Nam cũng sẽ có những bước tiến mới. Vì vậy, chúng ta sẽ luôn giữ được khoảng cách nhất định về đẳng cấp chế biến với các đối thủ. Ấn Độ và Ecuador có thể phải mất 5 – 10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm của Việt Nam hiện tại. Song chúng ta cũng không được lơ là chủ quan, cần duy trì khoảng cách về trình độ chế biến với họ. Công nghiệp chế biến của Việt Nam cần sâu hơn, phức tạp hơn và hạ giá thành.
“Ở phân khúc thị trường này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam tập trung vào mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định. Nếu các quốc gia Ecuador và Ấn Độ tập trung vào thị trường châu Âu thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng sản phẩm của mình vào thị trường châu Á đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Hồ Quốc Lực phân tích.
Ở khía cạnh khác, cần nhìn nhận chiến lược gia tăng giá trị thủy sản bằng cách chế biến sâu cũng gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp về câu chuyện vốn đầu tư, chi phí vận hành, đào tạo nhân lực tay nghề cao… Vì thế, hiện nay, phân khúc này chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp quy mô, vốn nhỏ còn nhiều khó khăn để thực hiện.
Trong năm 2024, ngành tôm Việt Nam vẫn vững vàng tiến tới cột mốc xuất khẩu gần 4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 cũng là niềm tự hào, là kết quả phấn đấu của cộng động ngành thủy sản ở các địa phương. Các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... là những tỉnh đi đầu, đóng góp từ 800-900 triệu USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước năm 2024. |