Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 18/04/2025 10:13
Tin nóng:
Nghệ An: Đánh thức tiềm năng cây dược liệu Cần chiến lược tổng thể, đưa dược liệu Việt vươn tầm quốc tế Thừa Thiên Huế: Phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị |
Không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu
Ghi nhận tại xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), bà con ở đây cho biết, trước khi trồng dược liệu, cùng với diện tích 2 ha nhưng để trồng ngô chỉ cho thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/vụ, nhưng trồng dược liệu cho thu nhập khoảng 50 - 80 triệu/năm.
Lùng Phình là 1 trong 5 xã trên địa bàn huyện Bắc Hà nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà quản lý). 4 loại cây dược liệu chính là atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh đã được nghiên cứu tính phù hợp đất đai, khí hậu từ năm 2010, sau đó được đưa vào trồng trên diện rộng.
![]() |
Cây dược liệu đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh TL |
Với những kết quả tích cực mang lại, việc trồng cây dược liệu đã mở rộng hầu hết các xã trên địa bàn huyện Bắc Hà cũng như tỉnh Lào Cai góp phần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 80% đồng bào dân tộc nơi đây, trong đó có nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu.
Không chỉ Lào Cai mà tại xã Yên Trị (huyện Yên Thủy, Hòa Bình) ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bài toán đầu tiên được đặt ra với cấp ủy, chính quyền xã là làm sao nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các khu vườn tạp sang trồng cây dược liệu xuất phát từ đó.
Không như cây trồng mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là dài ngày, trồng một lần thu nhiều năm, công chăm sóc ít mà giá trị kinh tế mang lại cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Từ hướng đi đúng, đời sống của nhiều hộ dân ở Yên Trị ngày càng nâng cao. Diện tích trồng dược liệu tại xã cũng được mở rộng khoảng 35ha, thu hút 45 hộ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ cùng tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.350 ha dược liệu, trong đó có 197,6 ha trồng xen trên đất rừng, còn lại được trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, việc đưa cây dược liệu về cho bà con vùng dân tộc thiểu số khó khăn đã giúp bà con nâng cao đời sống như tại các tỉnh Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum... Phát triển dược liệu cũng là cách cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho bà con vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
![]() |
Nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang tích cực phát triển, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu |
Nhiều địa phương trong cả nước hiện vẫn đang tích cực triển khai quy hoạch để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng được 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước.
Cần có giải pháp bảo tồn
Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền. Dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào. Chính vì vậy, dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc.
Tuy vậy, sự đa dạng về nguồn gen đang bị suy giảm, đe dọa nghiêm trọng và mai một, mất dần của các tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen trong chăm sóc sức khỏe. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen, lưu giữ tri thức truyền thống về sử dụng nguồn gen là yêu cầu cấp thiết.
Để bảo tồn, phát triển bền vững, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia trồng và bảo vệ cây dược liệu. Như tại tỉnh Sơn La đã triển khai, thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cây giống; khảo nghiệm, trồng thử nghiệm cây dược liệu bảo tồn nguồn gen và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, vừa tạo sinh kế cho nhân dân, vừa làm vành đai “xanh” bảo vệ rừng hiệu quả.
Theo bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La: Đề án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu: Phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La có 30.000ha dược liệu. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn tỉnh có trên 15.000ha cây dược liệu và sơn tra.
Là địa phương có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại, tỉnh Yên Bái bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư cho khoa học - công nghệ chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế.
Đến nay, ngoài các sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thì những sản phẩm mới của tỉnh Yên Bái đều quan tâm đến các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng trong nước tin dùng.
Đối với tỉnh Quảng Nam - 1 trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp các địa phương có nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
![]() |
Quảng Nam chú trọng bảo tồn cây sâm Ngọc Linh. Ảnh Nam Phương |
Tại nhiều địa phương ở Quảng Nam, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh và các hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung phát triển chuỗi sản xuất dược liệu quy mô lớn; xây dựng vùng nguyên liệu lớn liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm dược liệu, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa.
Theo kết quả điều tra đánh giá tại một số vùng trong cả nước, nuôi trồng sản xuất dược liệu nói chung, cây thuốc nói riêng có thể thu nhập tới 100 triệu đồng/ha. Phát triển trồng cây dược liệu đã giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. |