Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 10:05
Tin nóng:
Rừng vàng biển bạc, nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, thổ nhưỡng thích hợp cùng khí hậu ôn hòa đã giúp nông sản Việt Nam luôn có sản lượng và chất lượng top đầu trên thế giới.
Theo điều tra về nguồn gen dược liệu, Việt Nam có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…
Có thể thấy, nước ta có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số niền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cho nền kinh tế nước nhà.
Tận dụng tiềm năng của dược liệu, nhiều người dân các vùng dân tộc đã lựa chọn dược liệu để khởi nghiệp. Đơn cử chị Bàn Thị Liên (dân tộc Dao) - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm (TP. Tuyên Quang) - người đã khởi nghiệp thành công từ dược liệu. Chia sẻ về động lực khiến chị sản xuất và kinh doanh dược liệu với Báo Công Thương, chị Liên cho biết, nhận thấy mảnh đất Tuyên Quang hội tụ rất nhiều cây thuốc quý, dễ kiếm mà không phải nơi nào cũng có được, chị đã phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xây dựng vùng trồng và cung cấp dược liệu.
Chị Bàn Thị Liên (dân tộc Dao) - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm chia sẻ kinh nghiệm phát triển dược liệu. Ảnh: Đ.N |
Dày công nghiên cứu, chị Liên đã phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương.
Hiện các sản phẩm của công ty đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, từ chỗ chỉ vài ba sản phẩm ban đầu đến nay công ty có hơn 10 sản phẩm chủ lực.
Theo chị Liên, nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức ngày càng cao, đặc biệt là về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược.
"Dược liệu Việt hội tụ đầy đủ yếu tố để đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững... điều quan trọng, cần có chiến lược tổng thể để đưa dược liệu vươn tầm quốc tế. Do đó, Việt Nam cần "nhanh chân" tận dụng và khai thác hiệu quả tối đa từ lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế" - chị Liên cho hay.
Cũng là một trong những người khởi nghiệp thành công từ dược liệu, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - Quán quân Startup Wheel 2023 - đại diện Công ty TNHH Sản Phẩm Thiên Nhiên và Hữu Cơ ONA GLOBAL với thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá chia sẻ, mình đến với dược liệu và lựa chọn nó là con đường khởi nghiệp bởi nhận ra nhiều giá trị từ ngành mang lại, đặc biệt đối với sức khoẻ con người, với thiên nhiên và với cộng đồng xã hội.
"Được lớn lên và "tắm mình" cùng các loại thảo dược tự nhiên, đặc biệt nhiều loại thảo dược đã gắn bó bao đời với bà con dân tộc, tôi đã tự đặt câu hỏi, tại sao mình không phát triển từ các loại cây này để làm giàu cho quê hương. Và thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá ra đời cũng vì lý do đó" - chị Ngọc Bích nói.
Nhờ đi đúng hướng, đến nay, các sản phẩm của Cỏ Cây Hoa Lá đã thực hiện được ước mơ chạm tay đến hàng triệu người dùng. Đáng nói, hiện Cỏ Cây Hoa Lá đã phát triển thành công dự án Cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp - thu hút hơn 41.000 thành viên tham gia, giúp đỡ cho hơn 6.000 chị em có công ăn việc làm và gia tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ về quá trình khởi nghiệp từ dược liệu tại Sự kiện Chiến lược Sales và Marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Ảnh: Đ.N |
Thực tế, phát triển dược liệu tại các vùng đồng bào dân tộc miền núi là chìa khoá để nâng cao đời sống của người dân, song chỉ ra những thách thức hiện nay tại Hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa qua, bà Tạ Hoàng Lan - Chuyên gia Thương hiệu Quốc gia Việt nam (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), dù có rất nhiều tiềm năng và dư địa nhưng tới nay việc nuôi trồng dược liệu vẫn gặp rất nhiều thách thức như tình hình sản xuất vẫn còn chưa phát triển, việc sản xuất chủ yếu tập trung tại các gia đình nhỏ lẻ nên quy trình sản xuất không theo quy chuẩn, sản lượng thấp, chi phí cao.
Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc - yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và độ an toàn, khẳng định thương hiệu của dược liệu chưa được nhiều cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quan tâm.
Theo đó, bà Lan cho rằng, ngoài cần có một chiến lược tổng thể, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, doanh nghiệp người dân trong việc tìm giải pháp phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này, trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan đầu mối xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại cam kết sẽ đồng hành cùng với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền triển khai, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tổ chức phát triển chuyên ngành để các doanh nghiệp có cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm; tổ chức các khoá đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, bà con; đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và bà con để tạo ra chuỗi liên kết thông suốt, bền vững trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, triển khai các hoạt động truyền thông trên các trang web, trang mạng điện tử để giúp nhận diện thương hiệu cho các mặt hàng, doanh nghiệp được ghi nhận và biết tới ở các nước trên thế giới... Phối hợp với các đơn vị để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.