Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 04/04/2025 00:41
Tin nóng:
Thấy gì từ tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp? Bắc Giang: Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ |
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 tăng nhẹ
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, năm 2025, Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 111.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực, bám sát diễn biến thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc (ngoài cùng bên trái) thăm, động viên sản xuất tại Nhà máy kính CFG Ninh Bình. Ảnh: Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình. |
Với sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, sự nỗ lực từ công đồng doanh nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngay từ đầu năm 2025 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, trong tháng 1/2025, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.027,3 tỷ đồng, tăng 4,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,83% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Bình ước đạt 7.525 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Module camera tăng 1,1%; giày dép các loại tăng 4,3%; phân NPK tăng 19,4%; phân đạm tăng 10,3%; xi măng-clanke tăng 2,9%; linh kiện điện tử tăng 2,3%; cần gạt nước ô tô tăng 2,2%...
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cũng cho thấy, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2025 của tỉnh Ninh Bình đã có chuyển biến tích cực, song nhiều sản phẩm có xu hướng giảm như: Xe ô tô chở hàng giảm 50,5%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên giảm 8,4%; thép cán giảm 19%; phân lân nung chảy giảm 42,5%... Một số sản phẩm có lượng tồn kho lớn đến ngày 31/12/2024 như: Xe ô tô lắp ráp 270 chiếc; phân đạm 15 nghìn tấn; kính xây dựng 45,9 nghìn tấn; xi măng 21,8 nghìn tấn; module camera 17,5 triệu cái…
Triển khai các giải pháp
Ninh Bình xác định, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ - là năm bứt phá nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, để thực hiện mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 111.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2024, ngành Công Thương Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021- 2025; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
![]() |
Năm 2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 111.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2024. Ảnh: Trường Giang. |
Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên phát triển công nghệ điện tử, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực như: Lắp ráp ô tô, camera module, linh kiện điện tử, xi măng và clanke, may mặc, giày dép...Trong đó tập trung cao tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, có sản phẩm mới chào mừng năm đầu của nhiệm kỳ 2025-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian tới, Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, đồng thời, mở rộng một số cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, tạo ra các sản phẩm mới thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách; tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”; Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường dựa trên năng lực kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị”. |