Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 20:02
Tin nóng:
Giá gạo tăng khiến lạm phát vẫn dai dẳng ở châu Á Lạm phát năm 2024: Không còn “nóng” như 2023? Giá kim loại quý đỏ lửa sau báo cáo lạm phát Mỹ |
Không có “cú sốc” về giá
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, năm 2023 bức tranh kinh tế thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực sau những năm cao điểm của dịch bệnh COVID-19, xung đột chính trị liên tục diễn ra, tiêu dùng và hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia suy giảm, lạm phát toàn cầu giảm dần về cuối năm nhưng vẫn ở mức cao nên các ngân hàng trung ương duy trì chính sách lãi suất ở mức cao để chống lạm phát và xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước; thu mua lương thực, hàng hóa để tăng dự trữ quốc gia, hạn chế xuất khẩu một số vật tư, nguyên liệu là những yếu tố thường xuyên tác động làm cung cầu, giá cả hàng hóa của thế giới cũng như của Việt Nam biến động khó lường.
Thị trường trong nước năm 2023 diễn biến đan xen các yếu tố thuận lợi và khó lường nhưng nhìn chung giá cả khá ổn định, không có các “cú sốc” về giá gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; các hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát năm 2024 không còn quá lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: T.L |
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng có biến động khó lường như: xăng dầu và khí hóa lỏng LPG diễn biến tăng giảm thường xuyên, có biên độ dao động lớn theo biến động giá thế giới; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng nhiều vào nửa đầu năm nhưng cũng bắt đầu giảm và đi vào ổn định nửa cuối năm; giá thóc, gạo tăng dần theo giá xuất khẩu do các nước vừa tăng mua dự trữ quốc gia vừa hạn chế xuất khẩu gạo vì lo ngại an ninh lương thực.
Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát và nhờ đó để tận dụng dư địa lạm phát đang thấp so với mục tiêu Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt.
Trong đó là việc điều chỉnh tăng giá với mức độ, thời điểm hợp lý đối với một số mặt hàng Nhà nước định giá đang bị hoãn. Hay chậm tăng giá theo lộ trình vào các năm trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra để hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân như giá vé máy bay nội địa, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí và giá điện.
Riêng mặt hàng xăng dầu và khí gas là nhóm hàng quan trọng giúp kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống thấp bởi bình quân chung cả năm 2023 giá các mặt hàng này giảm nhiều dù diễn biến giá tăng giảm có lúc biên độ giao động rất lớn. Ngoài ra cũng có một số yếu tố theo quy luật hàng năm như giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ, Tết (chủ yếu vào cuối năm và đầu năm), nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân tăng tại một số thời điểm nắng nóng.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong đầu năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội năm 2023 là 4,5%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cao và giá cả nhiều mặt hàng như nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.
Áp lực lạm phát không quá lớn
Các chuyên gia cho biết, dự báo bức tranh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 còn ít khởi sắc do diễn biến xung đột chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Hamas vẫn gia tăng gây tác động lan tỏa đến nhiều nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng đang tiếp tục chống lạm phát kiên trì chính sách lãi suất cao, siết chặt tiêu chuẩn cho vay; Trung Quốc tuy đã mở cửa để phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng vẫn rất thận trọng trong các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, do đó chưa thấy rõ tác động tích cực từ nền kinh tế lớn này đến kinh tế thế giới.
Trong khi sức mua yếu, sức sản xuất dần sụt giảm thể hiện rõ ở nhiều nước khiến cho các tổ chức kinh tế quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia, khu vực kinh tế còn rất khiêm tốn ở mức thấp, nhất là ở các đầu tầu kinh tế như Mỹ, khu vực đồng Euro.
PGS. TS Ngô Trí Long cho biết có nhiều yếu tố có thể làm giảm áp lực lạm phát năm 2024. |
Đối với Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế cũng đang gặp trở ngại do xuất khẩu cũng giảm do thị trường các nước giảm nhập khẩu trong bối cảnh chung nhu cầu tiêu dùng giảm.
Trong khi đó kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và độ mở cao của nền kinh tế nên diễn biến giá trong nước gắn khá mật thiết với biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới đang vẫn ở mức cao và diễn biến khó lường.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh.
Ông Long cho rằng, những yếu tố giảm áp lực lạm phát năm 2024 như: Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu"; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát.
Bên cạnh đó, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024. Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.
Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và Đô la Mỹ giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, PGS. TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, không vì thế mà chủ quan trong việc kiểm soát giá cả trong năm 2024, bởi tình hình kinh tế vẫn có biến động phức tạp, khó lường. Bức tranh lạm phát năm 2024 đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình.
Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4-4,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.