Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 02:56
Tin nóng:
Triển lãm Quốc tế ngũ kim, dụng cụ cầm tay: Cơ hội giao thương cho doanh nghiệp cơ khí Vì sao ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng? |
Cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản
Mới đây, triển lãm M-Tech Osaka 2024 – một trong những triển lãm thường niên về cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công lớn nhất tại Nhật Bản đã quy tụ nhiều nhà sản xuất đến từ các cường quốc công nghiệp thế giới như Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ, Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia giao lưu, đàm phán trực tiếp với các Doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: MT |
Năm nay, tham dự M-Tech Osaka đoàn doanh nghiệp Việt Nam có sự tham dự của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công của Việt Nam.
Ngoài tham gia các gian hàng tại sự kiện, đoàn doanh nghiệp Việt Nam cũng thăm và làm việc tại các nhà máy tại Nhật Bản. Đây là dịp để doanh nghiệp, nhà cung ứng và các chuyên gia trong ngành tiếp cận với những xu hướng mới, công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Phòng Thương mại và Công nghiệp Osaka, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức "Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp chế tạo cơ khí Việt Nam – Nhật Bản" và nhiều hoạt động nhằm kết nối những nhà cung cấp của Việt Nam với các Công ty Nhật Bản có văn phòng tại Osaka Nhật Bản đang quan tâm đến việc hợp tác nhập khẩu các mặt hàng cơ khí công nghiệp của Việt Nam; hướng tới phát triển sản xuất gia công theo hợp đồng (OEM/ODM).
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới thăm và làm việc với Công ty Koyo (Nhật Bản). Ảnh: MT |
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, việc tham gia Triển lãm M-Tech Osaka 2024, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thêm cơ tiếp cận được kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của Việt Nam, không chỉ vậy còn tạo cơ hội cho các công ty giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản và nước ngoài, tìm kiếm đối tác hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, các gian hàng của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, bởi Việt Nam là quốc gia đang tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Mở rộng thị trường sản xuất, gia công cơ khí chính xác cho doanh nghiệp
Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, các hoạt động giao thương, tìm hiểu sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ M-Tech Osaka được kỳ vọng đưa hợp tác cơ khí chế tạo Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển thời gian tới, Đặc biệt, sẽ giúp ngành cơ khí chế tạo Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là một trong các doanh nghiệp tham gia triển lãm M-Tech Osaka, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Việt Nhật Tân – đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ trong ngành chế tạo máy công nghiệp, sản phẩm phụ trợ trong ngành công nghệ cao, bán dẫn, đồ gá, thiết bị ngành y tế... dành được nhiều sự quan tâm từ các đối tác Nhật Bản. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nhật Tân chia sẻ, sau triển lãm này, Việt Nhật Tân hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường sản xuất, gia công cơ khí chính xác cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về gia công cơ khí.
Đánh giá cao triển lãm M-Tech Osaka cũng như các hoạt động giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp cơ khí, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã có thêm tiếp cận được kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của thế giới; đồng đã có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới các đối tác quốc tế, qua đó gia tăng cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Quốc tế Osaka, và các doanh nghiệp tham dự Lễ khai mạc Khu gian hàng Việt Nam tại Triển lãm M-Tech Osaka. Ảnh: MT |
Thời gian qua, theo ông Chu Việt Cường, để góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cũng như thúc đẩy việc hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) kết hợp cùng với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tích cực tìm kiếm và tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp qua các buổi hội nghị và các kỳ triển lãm chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Nhật Bản.
“Với sự hỗ trợ của Cục Công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia triển lãm bằng cách thuê gian hàng và gửi hàng mẫu, tạo cơ hội cho họ giới thiệu công nghệ và sản phẩm của mình, tìm thêm cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản và nước ngoài”- ông Cường nhấn mạnh.
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước thành viên của G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011), kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Đặc biệt hơn Nhật Bản có nhiều thế mạnh có thể giúp Việt Nam trong thời gian tới, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, năng lượng, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ…. |