Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 12:14
Tin nóng:
Để cho ngành logistics Việt Nam phát triển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư lĩnh vực logistics tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ về việc hoàn thiện thể chế và chính sách. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023. Ảnh: BĐT |
Thưa Thứ trưởng, ông có nhận định gì về tiềm năng của ngành logistics Việt Nam?
Thời gian qua, dịch vụ logistics đã đem lại giá trị gia tăng cao, gắn kết dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông - vận tải và công nghệ thông tin... Chính vì thế, đây là một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng ASEAN, trong đó có Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp trong thời gian qua. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Các kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng đưa ngành logistics Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh những cơ hội thì ngành logistics Việt Nam cũng có những thách thức và khó khăn, Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn đó là những gì?
Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên nhưng trên thực tế vẫn còn có một số tồn tại hạn chế và thách thức.
Thứ nhất, thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khuôn khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.
Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…
Những tồn tại, hạn chế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm sao tận dụng được cơ hội để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, là logistics xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Vậy theo ông, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để có thể phát huy tiềm năng và lợi thế của ngành logistics Việt Nam?
Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Chúng ta ở vị trí cửa ngõ của giao thương quốc tế, đồng thời có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nền kinh tế đang phát triển, hệ thống hạ tầng cơ sở không ngừng được hoàn thiện, quy mô dân số 100 triệu người - với tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, ngành logistics Việt Nam sẽ tiếp tục có bước đột phá trong thời gian tới.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, đồng thời tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số… nhằm đạt mức cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2023. Kết quả thực hiện được của năm 2023 sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Khi nền kinh tế phục hồi, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu lấy lại được đà tăng trưởng, nhu cầu đối với các hoạt động logistics sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hơn nữa, Việt Nam với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng và là thành viên của 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế. Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, với các dự án quy mô lớn, không chỉ góp phần quan trọng gia tăng năng lực cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy thương mại hàng hóa, qua đó góp phần phát triển ngành logistics Việt Nam.
Để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Hai năm 2022 - 2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các dự công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics.
Hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và đến 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, các đường kết nối khác, hạ tầng khác như sân bay Long Thành, các cảng biển, các sân bay… cũng đang được tập trung xây dựng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Đây là những điều kiện cần và đủ để chúng ta có thể phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi cho rằng, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Việc thiếu đồng bộ quy hoạch cơ sở hạ tầng cũng là một trong những điểm nghẽn của ngành logistics Việt Nam. Ảnh: Hải Yên |
Với tư cách là cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất gì với Chính phủ Việt Nam, thưa Thứ trưởng?
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ngành dịch vụ logistics; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Chúng ta cũng cần hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Cùng với đó, rà soát để tận dụng cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...
Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông - vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.
Cùng với đó, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.
Đồng thời, tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, tôi cho rằng, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.
Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Về phía các cơ sở đào tạo, cần phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập...
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, xây dựng giải pháp đầu tư, trong đó có định hướng dài hạn coi trọng việc đầu tư vào hạ tầng thông tin, đầu tư các trang thiết bị công nghệ phục vụ dịch vụ logistics đạt chuẩn, đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng nhằm cung cấp các dịch vụ logistics tạo giá trị gia tăng. Song song đó, xây dựng chiến lược nhân lực cho hoạt động logistics; sử dụng các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc phát triển các dịch vụ logistics mới.
Thực hiện được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này, tôi tin rằng ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!