Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 18:01
Tin nóng:
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được ký kết, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia sau hơn một năm đàm phán.
Với nhu cầu cao về thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tại UAE, ngành cá ngừ Việt Nam kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế từ hiệp định này để gia tăng xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào các ưu đãi thuế quan từ CEPA.
Doanh nghệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu cá ngừ sang UAE. Ảnh: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang UAE, sau khi giảm sút trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, đã có sự hồi phục đáng kể. Từ mức 1,6 triệu USD vào năm 2019, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang UAE đã đạt gần 4 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 139% trong vòng 5 năm. Việt Nam hiện là một trong ba nguồn cung cấp cá ngừ lớn nhất cho thị trường UAE. Tuy nhiên, trong năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang UAE không ổn định, tăng giảm thất thường và đến hết tháng 9, giá trị xuất khẩu chỉ đạt mức tương đương cùng kỳ năm ngoái.
UAE hiện nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt và loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam (mã HS0304) cùng với một lượng nhỏ cá ngừ đóng hộp. Các sản phẩm cá ngừ nhập khẩu vào UAE đang chịu mức thuế 5%. Doanh nghiệp Việt kỳ vọng rằng, khi FTA giữa Việt Nam và UAE có hiệu lực, thuế nhập khẩu thủy sản vào UAE sẽ giảm về 0%, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho cá ngừ Việt Nam tại thị trường này.
Ngoài thuế quan, một trong những thách thức lớn nhất khi xuất khẩu sang UAE là yêu cầu về chứng nhận Halal. Các sản phẩm phải đảm bảo không chứa bất kỳ thành phần nào bị cấm theo luật Hồi giáo, không tiếp xúc với các vật liệu không được phép, và không chạm vào thực phẩm từ nguồn gốc không được chấp nhận trong suốt quá trình sản xuất. Đây là vấn đề quan trọng mà nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khắc phục để mở rộng khả năng xuất khẩu sang UAE.
UAE hiện là một trong những nền kinh tế hàng đầu tại Trung Đông với vị trí xếp hạng thứ 17 trong số 61 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao hơn mức trung bình toàn cầu và ngành nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 1% cơ cấu kinh tế, UAE phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thủy sản, lên đến 90% tổng lượng tiêu thụ. Nền kinh tế ổn định cùng chính sách công hiệu quả của UAE cũng là động lực cho sự tăng trưởng.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của UAE dự kiến tăng trưởng ổn định ở mức 4% vào năm 2024 và đạt 5,1% vào năm 2025, trong bối cảnh khu vực Trung Đông và Trung Á có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lần lượt là 2,4% và 3,9%. Điều này cho thấy UAE có tiềm năng trở thành đối tác thương mại quan trọng của ngành cá ngừ Việt Nam nhờ nền kinh tế phi dầu mỏ đang phát triển mạnh mẽ.
Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao và nền kinh tế phát triển của UAE, ngành cá ngừ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm. Việc tận dụng các ưu đãi từ CEPA và đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn Halal sẽ là yếu tố then chốt giúp cá ngừ Việt Nam khẳng định chỗ đứng và phát triển bền vững tại thị trường này.