Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 17:40
Tin nóng:
Tình trạng khó khăn của nền kinh tế được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024, khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua đề xuất của Chính phủ là tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết 6 tháng đầu năm 2024 là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Hiện nay, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đang được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 cho hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ các nhóm hàng gồm: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
Biện pháp giảm thuế VAT được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023 đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là việc giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ Quốc hội tiếp tục thông qua đề xuất của Chính phủ. Giải pháp giảm thuế VAT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa: Tapchicongthuong.vn |
Thực tế cho thấy, cũng có một số ý kiến đại biểu Quốc hội, hiệp hội, chuyên gia đề xuất, thay vì giảm thuế VAT 2% cho một số loại hàng hóa thì nên xem xét giảm thuế VAT với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đề xuất này xuất phát từ việc các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 44/2023/NĐ-CP nhằm hướng dẫn việc thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của cả hai nghị định trên nhưng vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Nhiều doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai. Nhiều doanh nghiệp phải thuê thêm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua, bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Khó khăn của doanh nghiệp là điều cần được lắng nghe, chia sẻ. Nhưng nhìn một cách rộng hơn, trong khi áp lực chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng, việc mở rộng giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm thu ngân sách, tác động đáng kể đến cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động đến nhiệm vụ thu ngân sách, Chính phủ rất cần sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Còn những khó khăn trong quá trình xác định danh mục hàng hóa được hưởng chính sách giảm thuế VAT của doanh nghiệp cũng cần được giải quyết, thông qua những hướng dẫn cụ thể hơn nữa để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.