Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 08/05/2025 11:30
Tin nóng:
Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ - Cầu nối giao thương Mở rộng giao thương từ sức hút phiên chợ vùng biên giới ITE HCMC 2025: Mở rộng quy mô giao thương quốc tế |
Cơ hội vàng giữa cuộc chơi toàn cầu
Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng thần tốc, Việt Nam đang bước vào cuộc đua toàn cầu không khoan nhượng. Tại đây, hàng hóa, dịch vụ, nền tảng số và dữ liệu… trở thành “hộ chiếu” để doanh nghiệp vươn ra thế giới chỉ bằng vài cú click chuột.
Thế nhưng, khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm “cách mạng” trong vận hành chuỗi cung ứng, logistics, marketing số, thì câu hỏi đặt ra là: Việt Nam đang đứng ở đâu? Và làm sao để không chỉ là người quan sát, mà là người chơi chủ động?
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 đạt quy mô hơn 25 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng các sàn thương mại điện tử để xuất khẩu vẫn rất hạn chế. Phần lớn vẫn đang loay hoay ở giai đoạn làm quen, thăm dò, hoặc bán nhỏ lẻ qua kênh trung gian.
![]() |
Giao thương thời AI không chỉ là công nghệ mà là chiến lược quốc gia. Ảnh minh họa |
Ngược lại, thế giới đang chứng kiến cuộc bùng nổ thương mại xuyên biên giới nhờ sự kết hợp giữa AI và các nền tảng thương mại điện tử lớn. Amazon, Alibaba, Etsy, eBay không chỉ là “chợ online”, mà đang trở thành những “quốc gia số”, nơi các nhà bán hàng có thể khởi nghiệp toàn cầu mà không cần văn phòng thực thể.
AI hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường ngách, tối ưu giá bán, dự đoán hành vi tiêu dùng và xử lý đơn hàng từ khâu vận hành đến chăm sóc khách hàng, điều mà phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác đúng mức.
Dù còn non trẻ, nhưng Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiên phong trong giao thương số xuyên biên giới. Tiki, Voso, Fado và gần đây là sự nổi lên của các nhà bán hàng Việt trên Amazon, Alibaba đặc biệt trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, dệt may, sản phẩm nông nghiệp chế biến.
Một điểm sáng đáng chú ý là sự hợp tác chiến lược với Amazon Global Selling hay Alibaba.com để đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa sản phẩm ra thế giới. Các sản phẩm “made in Vietnam” từ giày dép, đồ gỗ, cà phê, điều, mật ong… đang dần tìm được chỗ đứng trên bản đồ giao thương số quốc tế.
Tuy nhiên, tỷ lệ còn khiêm tốn và chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI hoặc các đơn vị đã có kinh nghiệm xuất khẩu truyền thống. Những rào cản về ngôn ngữ, logistics, thanh toán, nhận diện thương hiệu quốc tế và tiêu chuẩn chất lượng vẫn là “nút thắt” lớn.
AI là chìa khóa giải mã?
AI đang thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Từ việc xây dựng nội dung quảng cáo bằng ngôn ngữ địa phương, đến quản lý kho thông minh, phân tích hành vi khách hàng theo thời gian thực tất cả đều giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên sàn quốc tế.
Việt Nam có nền tảng công nghệ tốt, nhân lực trẻ, năng động. Việc tích hợp các giải pháp AI vào chuỗi thương mại xuyên biên giới là hoàn toàn khả thi nếu có chiến lược bài bản và sự vào cuộc của cả hệ sinh thái từ chính sách thuế, logistics, pháp lý đến kết nối sàn thương mại điện tử quốc tế.
Thương mại xuyên biên giới đang là “đường cao tốc” cho xuất khẩu phi truyền thống. Nếu chậm chân, doanh nghiệp Việt sẽ tụt lại phía sau khi các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực ASEAN đang đầu tư mạnh mẽ vào giao thương số bằng cách kết hợp startup nội địa với các nền tảng toàn cầu.
Giờ là lúc Việt Nam cần xác định AI không chỉ là công nghệ, mà là năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại số. Chúng ta không thể mãi bán hàng qua Facebook hay Zalo nội địa trong khi thế giới đang “nạp đơn” từ Mỹ, Đức, Nhật Bản qua vài dòng lệnh thông minh.
Bản đồ thương mại số xuyên biên giới đang mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho doanh nghiệp Việt. Nhưng để “xuất khẩu từ bàn phím”, Việt Nam cần tầm nhìn dài hơi, chuyển đổi tư duy từ “mua bán” sang “xây dựng thương hiệu”, từ “bán lẻ nội địa” sang “vận hành toàn cầu”. Chỉ khi đó, giao thương số mới thật sự trở thành cánh cửa mở ra một chương mới cho kinh tế Việt Nam thời AI.
Chính phủ đã có nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử xuyên biên giới như: Ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia 2021-2025 và 2026-2030; triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn xuất khẩu online; giải pháp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu… Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỷ USD năm 2025. |