Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 13:47
Tin nóng:
Tỉnh Gia Lai đang mở “cánh cửa” chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh là: Nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam và là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên.
Gia Lai có lợi thế về giao thông đi lại thuận tiện, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Tỉnh có hệ thống các Quốc lộ 14, 14C, 19, 25, đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn. Cảng Hàng không Pleiku với các loại máy bay cỡ lớn đi thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, cách Cảng biển Quy Nhơn 170 km, là điều kiện thuận lợi trong việc kết nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với nhiều địa phương trong nước và quốc tế.
Toàn tỉnh Gia Lai có 255.668,4 ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Ảnh: Hiền Mai |
Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh đứng thứ 2 trên cả nước (1.551.013,4 ha). Diện tích đất nông nghiệp hơn 837 nghìn ha, hơn 714 nghìn ha đất lâm nghiệp, là tỉnh có diện tích đất đai màu mỡ, rộng lớn khí hậu ôn hòa, rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp với quy mô lớn. Tỉnh Gia Lai có 2 cao nguyên (cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng) đất đỏ bazan màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi là điều kiện thuận lợi và là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh. Đây còn là khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia thành hai vùng (Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn) tạo ra sự đa dạng, phong phú các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.
Năm 2023, ngành nông lâm ngư nghiệp của tỉnh chiếm 28,27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giá trị sản xuất đạt 33.345 tỷ đồng. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung với quy lớn, chất lượng nông sản ngày càng cao, cơ bản ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có 56.091,7 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh có 255.668,4 ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh với 105.840 ha, sản lượng 315.318 tấn. Ảnh: Hiền Mai |
Các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh như: Cao su 84.418 ha, sản lượng mũ 79.314 tấn; cà phê 105.840 ha, sản lượng 315.318 tấn; điều 39.800 ha, sản lượng 34.648 tấn; chè 571 ha, năng suất 78,3 tạ/ha, sản lượng 4.371 tấn; hồ tiêu 7.775 ha, sản lượng 23.391 tấn; hiện có hơn 1.600 ha dược liệu (quy hoạch 20.000 ha). Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tương đối lớn so với các địa phương khác của cả nước với đàn bò 480.420 con đứng thứ 2 cả nước); đàn lợn 818.800 con; đàn gia cầm trên 7,5 triệu con và vẫn còn nhiều dư địa phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước.
Gia Lai còn có quỹ đất lớn để phát triển rừng trồng, rừng nguyên liệu giấy, có tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, kết hợp du lịch sinh thái...Tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao. Với những thế mạnh về nông nghiệp, Gia Lai có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên (theo hình thức trực tuyến), ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu vực, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ. Những năm qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ; Cảng hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón các loại máy bay tầm trung, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước, cũng như quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và doanh nhân.
Theo ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Gia Lai đang từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: CTV |
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan - loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Hồ tiêu, cà phê, cao su, mía, sắn, cây dược liệu, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi,... Tổng trữ lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông chính là hệ thống sông Ba, hệ thống sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpok.
Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 31 cụm công nghiệp, trong đó có 13 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh thành lập. Nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, các loại cây ăn quả,... tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.
Theo ông Dương Mah Tiệp, những điều kiện thuận lợi trên đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” để tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh là: Nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp. Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia” theo đúng mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023.
“Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Cùng với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, với nền văn hóa đa dạng và đặc sắc..., Gia Lai đang từng bước khẳng định là điểm đến tin cậy và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp” - ông Dương Mah Tiệp nhấn mạnh.